"Phù phép" nông dân trở thành công nhân ngay tại thôn bản

Kiều Thiện Thứ ba, ngày 01/09/2015 07:30 AM (GMT+7)
Với sự quyết tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn gắn với đào tạo nhân lực tại chỗ, Phù Yên “phù phép” cho gần 1.500 nông dân trở thành công nhân ngay tại thôn bản.
Bình luận 0

Thêm 3.000ha đất “ảo”

“Gần 1.500 nông dân trong huyện đã trở thành công nhân ở lĩnh vực này với mức thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng. Nếu tính theo lợi nhuận như nông dân ở đây sản xuất ngô, lúa thì chúng tôi đã có nguồn thu hàng năm từ số công nhân này tương đương với 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Nhờ thế, bài toán về thu nhập, việc làm, giảm nghèo bền vững được giải quyết tốt hơn” – ông Cầm Văn Tân- Chủ tịch UBND huyện Phù Yên chia sẻ.

img

 Công việc tại Xí nghiệp Giày da mang lại nguồn thu ổn định cho bà con Phù Yên với mức thu nhập 40 triệu đồng/người/năm. Ảnh: K.T

Theo ông Tân, từ cuối thập kỷ 80, Thủy điện Hòa Bình được thành lập đã đem lại ánh sáng cho hàng triệu người dân. Nhưng hàng chục ngàn hộ dân thuộc 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La phải chịu hy sinh, rời quê quán để nhường chỗ cho thủy điện. Trong đó, huyện Phù Yên (Sơn La) bị ảnh hưởng lớn nhất vì vùng đất màu mỡ bên ven sông Đà bị xâm thủy, cả ngàn hộ dân cứ “vác cột nhà chạy theo con nước dâng” như lời của ông Hà Văn Chấng – người dân tộc Thái nơi bến Vạn (Phù Yên) tâm sự. 

Về nơi ở mới thiếu thốn đất đai, người dân Phù Yên phải thuê đất làm thêm mới đủ sống, cũng vẽ ra đủ nghề để thích ứng. Dân vùng ven hồ thì làm thêm nghề cá, dân vùng rừng thì làm thợ mộc, thợ hồ, bốc vác… Nhưng trong 7 năm qua, Phù Yên đã tìm ra giải pháp để giúp nông dân ly nông mà không ly hương, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đầu tiên, lãnh đạo huyện đã thuyết phục một số doanh nghiệp về với Phù Yên. Trong đó nổi bật nhất có 2 doanh nghiệp chuyên về sản xuất giày da và sản xuất gạch tuynel. Gần 1.500 nông dân đã “chuyển giai cấp’’ sang làm công nhân.

Thoát nghèo bền vững

"  Tuy các doanh nghiệp này ở ngoài tỉnh nên không nộp thuế về cho huyện nhưng với mức lương bình quân 4 triệu đồng/tháng của một công nhân thì mỗi năm, thu nhập của người dân Phù Yên tăng thêm hơn 90 tỷ đồng”.

Ông Nguyễn Đắc Tĩnh

Ông Trần Quốc Huy – Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất giày da Ngọc Hà tại xã Quang Huy (huyện Phù Yên) cho biết “Trước kia, chúng tôi chỉ có một xí nghiệp với gần 1.000 công nhân, đặt tại xã Huy Hạ. Nhưng nhờ huyện Phù Yên tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong tuyển dụng, đào tạo công nhân cũng như giải phóng mặt bằng… nên chúng tôi đã mở được Xí nghiệp 2 tại đây. Cả hai xí nghiệp này, ngoài 2 giám đốc xí nghiệp là người Hà Nội, còn lại đều là người của huyện Phù Yên và đều trưởng thành từ nông dân mà nên”. 

Tuy nhiên, để người dân yên ổn làm công nhân, chính quyền cũng đã phải làm nhiều cuộc vận động, thay đổi tư duy của bà con. Trước đây làm nông trên mảnh ruộng của chính mình, người dân có thể tùy tiện đi muộn về sớm, thích thì làm, không thích thì nghỉ, không quen nề nếp, kỷ luật.

“Chúng tôi từng gặp nhiều chuyện cười ra nước mắt, có ngày vài chục người đồng loạt xin nghỉ việc để đi đám ma một người trong bản. Thử tưởng tượng dây chuyền sản xuất vắng đi một lúc mấy chục người thì có tê liệt không? Dù xí nghiệp không đồng ý người dân vẫn nghỉ’’- ông Bùi Mạnh Dũng - Giám đốc xí nghiệp Giày da Ngọc Hà 1 (xã Huy Hạ) kể. Sau đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở đây kiên trì vận động, giải thích, hỗ trợ, tư vấn cho bà con hiểu để thay đổi thói quen. Đến nay, hơn 1.000 nông dân này đã thành công nhân thực thụ.

 Bên bàn máy đánh bóng da, công nhân Đinh Thị Hường ở bản Bùa, xã Huy Tân bảo: “Con gái Phù Yên vốn đã nghèo, học hành xong cũng chả có việc làm, dễ ế chồng lắm. Nhưng từ ngày có cái xí nghiệp này, hầu hết thanh niên đều có việc làm và thu nhập ổn định. Nhà em cũng có tới 3 chị em cũng vào làm công nhân được 5 năm nay, bây giờ ai cũng có gia đình. Làm công nhân không chỉ lương cao hơn so với làm ruộng mà cách sống, cách làm việc của mình cũng  văn mình hơn, tiến bộ hơn’’.

Ông Nguyễn Đắc Tĩnh - Bí thư Huyện ủy chia sẻ, Phù Yên là huyện nghèo, ít đất. Do đó, muốn xóa nghèo nhanh, bền vững thì phải ly nông. Nhưng bà con toàn người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí có hạn, quen cuộc sống thôn bản, nếu bắt họ ly hương thì họ cũng không chịu. Do đó, đưa việc về xã, đào tạo nghề cho nông dân là giải pháp mà huyện Phù Yên đã và đang đẩy mạnh. 

“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ có thêm khoảng 500 nông dân nữa thành công nhân trên chính mảnh đất này. Với mức thu nhập bình quân khoảng 40 triệu đồng/công nhân/năm; chúng tôi lại có thêm khoảng 500 hộ dân thoát nghèo một cách bền vững’’. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem