Phú Thọ: “Tàn sát” rừng phòng hộ và hơn 1.000ha rừng “biến mất'
Phú Thọ: “Tàn sát” rừng phòng hộ và hơn 1.000ha rừng “biến mất”
Ngô Hùng - Việt Hoàng
Thứ sáu, ngày 12/06/2020 10:37 AM (GMT+7)
Bộ NN&PTNT vừa yêu cầu tỉnh Phú Thọ báo cáo về việc hơn 1.149ha rừng biến mất chỉ trong 2 năm (từ năm 2018 - 2019). Từ nguồn tin của bạn đọc, PV Dân Việt đã đi khảo sát thực tế và dần có câu trả lời cho việc này.
Theo phản ánh của bạn đọc, khoảng 3 năm trở lại đây, hiện tượng phá rừng phòng hộ diễn ra ngày một nghiêm trọng ở 2 hai xã Yên Sơn và Yên Lương, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Để nắm rõ về hiện tượng này, trong nhiều ngày, PV Dân Việt đã đi ghi nhận thực tế.
Chỉ tay về hướng khu rừng, ông Lê Văn Lợi (thôn Bồ Xồ, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn) không khỏi ngao ngán: "Rừng ở đây bị "lâm tặc" khai thác khoảng 3 năm nay, nhưng mạnh và rầm rộ nhất là từ đầu năm 2020. Đầu tiên, chúng khai thác những cây gỗ lớn 1 - 2 người ôm, sau thì nhỏ dần. Giờ thì cây như bắp chân chúng cũng chặt hạ. Hơn trăm hecta rừng phòng hộ kia, giờ không còn cây gỗ thân to nữa, chỉ là cây tạp, dây leo thôi".
Sau thời gian tìm kiếm, nhờ vả, cuối cùng PV mới thuê được Lê Văn H, một người dân ở thôn Bồ Xồ dẫn PV đi ghi nhận thực trạng phá rừng ở nơi đây.
Theo H, các đối tượng khai thác gỗ ở đây thường hoạt động vào khoảng từ 2 - 4h sáng. Những cây to sẽ được cưa đổ, cắt ra theo từng khúc khoảng hơn 1m, sau đó có thể dùng xe máy, trâu để chuyển ra nơi tập kết.
"Không chỉ dùng cưa, rìu để khai thác gỗ trái phép, ở đây, nhiều người còn đốt cả rừng phòng hộ để lấy đất làm nương rẫy. Chính điều này đã làm cho rừng phòng hộ ở nơi này càng ngày càng bị thu hẹp", H. chia sẻ.
Theo chân H, men theo đường mòn, dẫn lên núi, cứ một đoạn, ở những bãi đất bằng phẳng, hay khúc cua của đường, PV Dân Việt lại nhận thấy nhiều khúc gỗ có đường kính khá lớn, dài hơn 1m được tập kết thành đống.
Len lỏi vào khu rừng phòng hộ, PV dễ dàng bắt gặp những cây gỗ lớn có đường kính hơn một vòng ôm của người lớn bị chặt hạ. Đi cả nửa ngày đường rừng, PV nhận thấy, ngoài những gốc cây lớn còn sót lại, ở đây hầu như chỉ còn những cây tạp, dây gai và hiếm khi bắt gặp những cây có đường kính bằng 1 vòng tay của người lớn.
"Hiện thôn Bồ Xồ có khoảng hơn 100ha rừng phòng hộ, được chia ra thành 7 GCNQSDĐ để giao cho người dân quản lý. Việc khai thác gỗ trong rừng diễn ra một vài năm gần đây.
Những đối tượng khai thác đa phần là người dân địa phương, thường hoạt động vào ban đêm. Những ai khai thác, chúng tôi đều nắm được và đã góp ý trực tiếp nhưng họ không nghe", ông Lê Văn Toòng, Trưởng thôn Bồ Xồ chia sẻ.
Còn theo ông Lê Văn Mai, Bí thư thôn Bồ Xồ, trước đây các đối tượng khai thác còn cưa quá nửa cây, chờ mưa bão, cây đổ mới vào lấy để chuyển ra. Bây giờ thì họ làm rất mạnh, cứ cây to hơn bắp chân một chút là chặt, giờ rừng phòng hộ còn rất ít những cây gỗ lớn.
"Cả khu này chỉ có đồi Núi Mét là rừng đầu nguồn, vậy mà họ phá ghê quá. Khi phát hiện, thôn cũng có báo cáo lên xã, lên huyện và kiểm lâm, nhưng có lần thì có người xuống, có lần không.
Những đối tượng đều là người địa phương nên việc xử lý với chúng tôi còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Ngoài việc khai thác trộm cây gỗ lớn, ở đây còn có hiện tượng người dân đốt rừng để lấy đất làm nương rẫy, dù được nhắc nhở nhưng họ vẫn lén lút làm", ông Mai chia sẻ.
Cũng theo ông Mai, dù rừng đã được giao cho người dân quản lý nhưng vẫn bị khai thác, đó là do trước đây, rừng chỉ có 1 bìa, sau đó người dân trong thôn góp tiền để tách ra thành 7 bìa.
"Những người được giao đất hằng năm sẽ được nhận tiền hỗ trợ, trong khi nhiều người dân khác đã góp tiền để đi tách bìa thì không được nhận. Còn những người vào rừng khai thác gỗ, họ lý luận rằng, mình cũng góp tiền nhưng không được hỗ trợ thì mình đi khai thác gỗ thôi", ông Mai cho biết thêm.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Hiếu, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Thanh Sơn thừa nhận có việc rừng phòng hộ trên địa bàn huyện bị khai thác trái phép, cũng như rừng phòng hộ bị người dân đốt để làm nương rẫy.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc khai thác này chỉ diễn ra một cách tự phát, không có kiểu khai thác quy mô, rầm rộ.
"Việc khai thác nhỏ lẻ, nhưng như kiểu mưa dầm thấm lâu, dần dần diện tích bị khai thác ngày càng nhiều lên. Dù đã tăng cường quản lý, tuần tra, nhưng vì lực lượng mỏng, các đối tượng lại thường hoạt động vào ban đêm nên rất khó để ngăn chặn dứt điểm tình trạng này", ông Hiếu bộc bạch.
Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Thanh Sơn, tình trạng phá rừng trái phép vẫn còn xảy ra tại xã Yên Sơn và Yên Lương. Từ năm 2018 đến nay, đơn vị này đã kịp thời phát hiện và xử lý 49 vụ liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp với tổng số tiền thu phạt trên 386 triệu đồng. Ngoài ra đã phối hợp với Công an huyện Thanh Sơn tiến hành xử lý hình sự 1 đối tượng ở thôn Láy, xã Yên Lương về hành vi phá rừng.
Được biết, theo thống kê năm 2019 so với năm 2018, diện tích rừng tự nhiên giảm nhiều nhất ghi nhận tại Đắk Lắk với 11.420ha. Tiếp đến là các tỉnh: Đắk Nông 7.157ha, Quảng Bình 3.337ha, Quảng Trị 1.991ha, Quảng Ngãi 1.507ha, Phú Thọ 1.149ha, Khánh Hòa 833ha, Thừa Thiên Huế 807ha và Bình Định 677ha...
Trước tình hình đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đề nghị tổ chức kiểm tra, rà soát diện tích rừng bị mất, diện tích bị sai lệnh so với thực tế. Làm rõ, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra mất rừng tự nhiên do phá rừng trong năm 2019.
Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến tình trạng sai lệch diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng trong công tác kiểm kê rừng, cập nhật diễn biến rừng.
Bộ NN&PTNT cũng đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố kịp thời chấn chỉnh, rà soát số liệu cập nhật và công bố hiện trạng rừng năm 2019. Nếu số liệu công bố sau rà soát có sai khác so với quyết định đã ban hành của Bộ NN&PTNT thì phải có báo cáo giải trình và chịu trách nhiệm về số liệu công bố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.