Làng quê đổi thay
Ông Võ Văn Khôi – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Phú Thọ không phải là xã điểm về xây dựng NTM của Quế Sơn, tuy nhiên ngay sau khi huyện phát động, năm 2011, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã nhanh chóng vào cuộc quyết liệt và tạo nên những đổi thay đáng kể cho địa phương. “Xác định từ đầu, xây dựng NTM nhằm mục đích làm thay đổi cơ bản diện mạo ở khu vực nông thôn và nâng cao thu nhập cho người nông dân, vì thế ưu tiên hàng đầu của Phú Thọ là tập trung các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hạ tầng nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo...” - ông Khôi chia sẻ.
Đường giao thông và nhà cửa của người dân đầu tư xây dựng kiến cố và khang trang đã làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt làng quê Phú Thọ. Ảnh: Đại Nghĩa
Đến nay xã Phú Thọ đã đạt 12/19 tiêu chí NTM, 7 tiêu chí còn lại địa phương sẽ tập trung các nguồn lực để tiếp tục đầu tư nhằm sớm đưa xã về đích xã NTM vào năm 2020. Tuy vậy, theo ông Khôi, để thực hiện thành công mục tiêu trên, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương và đóng góp của nhân dân thì sự quan tâm đầu tư của các cấp cho các xã trung du, miền núi và xã khó khăn (trong đó có Phú Thọ) là hết sức cần thiết.
|
Từ nguồn vốn của chương trình và các nguồn vốn huy động, lồng ghép khác, đến nay xã Phú Thọ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng thiết yếu. Nhờ đó, hạ tầng phục vụ dân sinh được đầu tư hoàn chỉnh, giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại và phát triển sản xuất của bà con nhân dân. Đặc biệt, các trường học, trạm y tế, lưới điện nông thôn, kiên cố hóa kênh mương… đang được chú trọng đầu tư.
Ông Khôi cho biết thêm, ngoài việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân, trong xây dựng NTM, Phú Thọ thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền đến từng thôn và các hội, đoàn thể về chủ trương cũng như ý nghĩa của việc xây dựng NTM… Nhờ đó, phong trào hiến đất, ngày công để làm đường giao thông được nhân dân hưởng ứng tích cực. Đến nay, người dân trên địa bàn xã đã tình nguyện hiến hơn 10ha đất, cây cối và hoa màu để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng làm đường và các công trình dân sinh khác. Hiện nay, đường giao thông trục xã, liên xã đã cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa, đường trục thôn xóm cứng hóa 21,67km...
Phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi
Ngoài việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, Phú Thọ còn tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đưa những cây con có giá trị kinh tế vào sản xuất. Đặc biệt, những năm trở lại đây, các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Phú Thọ. Hiện trên địa bàn xã Phú Thọ có hàng chục trang trại chăn nuôi nuôi heo, bò, gà và hàng trăm gia trại chăn nuôi các loại.
Là địa phương có diện tích tự nhiên chủ yếu là đất đồi núi và rừng nên bà con nhân dân trên địa bàn đã dựa vào lợi thế này để phát triển kinh tế rừng (chủ yếu trồng keo) và trồng sắn để tăng thu nhập. Theo thống kê, hiện toàn xã có trên 1.400ha rừng trồng tập trung trên 7 thôn của xã. Nếu như trước đây trồng keo theo tập quán cũ nên chưa hiệu quả thì nay khi bà con nhân dân đã được tập huấn về kỹ thuật, lựa chọn cây giống tốt đưa vào trồng nên hiệu quả hơn, chi phí cũng thấp hơn trước rất nhiều. Mỗi ha rừng trồng (3-4 năm) tính bình quân đem về thu nhập cho người dân 80 triệu đồng/vụ.
“Cũng nhờ trồng rừng và phát triển chăn nuôi nên đời sống của đại bộ phận người dân ở xã Phú Thọ đã được nâng lên đáng kể. Nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 39,5%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5,5 triệu đồng/người/năm thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, thu nhập bình quân đạt trên 20 triệu đồng/người/năm...” – ông Khôi phấn khởi nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.