"Chốt" phương án xử lý việc kênh thủy lợi Hồng Đà bị phá hủy
Ông Nguyễn Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Tam Nông cho biết, ngày 15/8, tỉnh Phú Thọ đã có văn bản số 3140/UBND-CNXD chỉ đạo huyện Tam Nông và đơn vị liên quan triển khai xử lý, khắc phục hậu quả hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi tại xã Dân Quyền.
"Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ, huyện Tam Nông đã họp, kiểm tra và xác định hành vi hủy hoại công trình thủy lợi Hồng Đà đã vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Thủy Lợi. Huyện Tam Nông hiện đang khẩn trương làm đúng quy trình để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều theo quy định pháp luật. Trong vài ngày tới, huyện có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, sẽ cung cấp thông tin đến quý báo", ông Thắng nói.
Về giải pháp đảm bảo tưới, tiêu sản xuất nông nghiệp cho xứ đồng Hồng Đà, ông Thắng khẳng định, huyện Tam Nông đã "chốt" phương án.
Đối với kênh tưới, huyện Tam Nông báo cáo tỉnh xây dựng tuyến kênh tưới mới bằng biện pháp kiên cố hóa với chiều dài 1.300m, phục vụ cho hơn 30ha lúa, hoa màu, thủy sản còn lại sau quy hoạch mở rộng KCN Trung Hà.
Cụ thể, kênh tưới mới có đoạn đầu nối với kênh cấp 1 cũ, xây chạy dọc theo vành đai KCN Trung Hà đến đoạn cuối nằm giữa xứ đồng Tha Lá (phạm vi xây kênh mới ngoài quy hoạch mở rộng KCN Trung Hà).
Đối với kênh tiêu, huyện Tam Nông đề xuất tỉnh xây dựng tuyến kênh tiêu dài 900m, chạy song song với tuyến kênh tưới mới để đảm bảo tiêu nước cho toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại sau quy hoạch mở rộng KCN Trung Hà và tiêu nước cho cả KCN mở rộng, nước thải sinh hoạt khu dịch vụ sau này.
Cần khẩn trương xử lý hành vi vi phạm tại kênh thủy lợi Hồng Đà
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, Trung tâm Phát triển hạ tầng và Dịch vụ KCN tỉnh Phú Thọ (thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh Phú Thọ) là chủ đầu tư dự án KCN Trung Hà giai đoạn mở rộng.
Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị thi công mặt bằng đã san lấp vào kênh thủy lợi Hồng Đà đang phục vụ tưới tiêu cho hơn 60ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Đây là hành vi hủy hoại công trình thủy lợi, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Thủy Lợi.
Hành vi vi phạm này phải bị xử phạt theo khoản 7 và khắc phục hậu quả theo khoản 9 Điều 24 Nghị định 03/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều.
Cụ thể, phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình thủy lợi; thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Cũng theo Nghị định 03/2022/NĐ-CP, thẩm quyền ra quyết định xử phạt thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện.
"Có thể thấy rõ, tỉnh Phú Thọ đã xác định cụ thể hành vi vi phạm pháp luật tại công trình thủy lợi Hồng Đà. Nhưng đến nay, theo thẩm quyền, huyện Tam Nông chưa khẩn trương thực hiện việc xử lý vi phạm là chưa làm tròn trách nhiệm, dấu hiệu bỏ lọt hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, nhân dân, làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tỉnh Phú Thọ và cơ quan chức năng cần khẩn trương đôn đốc, giám sát huyện Tam Nông thực hiện xử lý quyết liệt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả về thủy lợi tại xã Dân Quyền", luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.