Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Cảnh báo nguy cơ thiếu điện từ năm 2019
Để làm rõ thêm một số nội dung được ĐBQH và cử tri quan tâm, trong đó có trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển KTXH, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành điện, cùng các nhà đầu tư đã nỗ lực cố gắng để đầu tư phát triển hệ thống điện và đã đáp ứng yêu cầu cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ: “Dự kiến điện năng sản xuất sẽ đạt khoảng trăm 40 tỷ Kwh, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn. Như rất nhiều vị đại biểu đã nêu, nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ, sẽ có nguy cơ thiếu điện trong những năm tới, nhất là khi cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi rất nhanh so với quy hoạch điện 7.
Chúng ta đều biết quy hoạch điện 7 với tổng công suất nguồn của các giai đoạn không có thay đổi đáng kể nhưng thay đổi cơ cấu và do đó dẫn đến chúng ta phải điều chỉnh quy hoạch nếu không điều chỉnh quy hoạch thì sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất.
Chúng ta thấy rất rõ những vấn đề này khi chúng ta đã cho dừng điện hạt nhân, các nguồn điện than đầu tư rất khó khăn do lo ngại về vấn đề môi trường. Cùng với đó rất nhiều dự án chậm tiến độ cũng đã ảnh hưởng đến việc cung cấp, cung ứng nguồn điện cho phát triển kinh tế-xã hội”.
Tuy nhiên, trong khoảng 60 dự án đang đầu tư, có tới 35 dự án công suất từ 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1-5 năm. Thậm chí, có dự án với tổng công suất khoảng 39.000 MW, tình trạng chậm còn kéo dài hơn, dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh quy hoạch điện 7 nhằm bổ sung thêm các nguồn điện, đặc biệt là nguồn điện tái tạo và các nguồn điện khác để bù đắp sự thiếu hụt này. Nguồn điện mặt trời, điện gió có rất nhiều ưu điểm như không ô nhiễm môi trường, không tốn nhiên liệu, giá điện có xu hướng giảm do đầu tư phân tán. Ngoài ra, điện sạch rất dễ huy động nguồn vốn không chỉ trong nước, mà còn có nước ngoài. Chưa đầy 2 năm, ngành điện đã huy động 4.500 MW điện mặt trời, gần 400 MW điện gió, bù đắp lại, đáp ứng yêu cầu cung ứng điện. Từ đó, góp phần bù đắp những phần thiếu hụt điện, đáp ứng yêu cầu cung ứng đủ điện cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Một khó khăn khác được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra là nhu cầu đầu tư phát triển nguồn điện lưới điện rất lớn.
“Sơ bộ từ nay đến năm 2030 cần khoảng 130 tỷ USD, bình quân khoảng 12 tỷ USD mỗi năm, trong đó khoảng 9 tỷ USD dành cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư cho lưới điện.
Rất khó khăn để có thể huy động được nguồn vốn đầu tư này và đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của rất nhiều dự án điện hiện nay”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.
Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ được đầu tư thêm 2.000 tỷ đồng
Chia sẻ vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của ngành điện chậm tiến độ để sớm đưa vào hoạt động, bao gồm nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1… Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cung cấp thông tin, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 hiện nay đã hoàn thành khoảng trên 80% khối lượng công việc. Chỉ cần đầu tư thêm 2.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành dự án này, một dự án điện với công suất khoảng 1.200 MW khi đi vào hoạt động sẽ cấu phần rất quan trọng để cung cấp thêm nguồn điện cho phát triển sản xuất.
“Dự án này PVN đã báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ bổ sung 2.000 tỷ đồng, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương và Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét theo đúng quy định của pháp luật quy định. Đồng thời, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng Chính phủ”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Nhà nước độc quyền quản lý, không độc quyền đầu tư điện
Đối với vấn đề hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến đầu tư phát triển của ngành điện, đặc biệt là chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích để tháo gỡ khó khăn cho những dự án lớn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phân tích, việc huy động đầu tư đường truyền tải điện hiện đang vướng một số quy định tại Luật điện lực.
“Báo cáo Quốc hội, Luật điện lực có nêu Nhà nước độc quyền về truyền tải điện nhưng độc quyền ở đây không có nghĩa độc quyền cả về đầu tư. Vấn đề này không nên hiểu máy móc, Nhà nước quản lý thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam, độc quyền để không ai có thể can thiệp và đáp ứng yêu cầu phục vụ điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhưng về đầu tư phải huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.