QH thảo luận về báo cáo phòng chống tội phạm: “Án oan do bệnh thành tích”

Hải Phong (thực hiện) Thứ bảy, ngày 25/10/2014 06:21 AM (GMT+7)
Hôm nay, 25.10, Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về tình hình phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng. PV NTNN đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Đỗ Văn Đương - Ủy viên UB Tư pháp của Quốc hội về những vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều.
Bình luận 0

Thưa ông, trong báo cáo mới đây về công tác PCTN của Chính phủ có đưa ra con số: Trung bình mỗi tháng có khoảng 20 nghìn cuộc thanh tra các loại, các lĩnh vực, tính ra một ngày khoảng 700 cuộc thanh tra. Tuy nhiên kết quả xử lý chỉ được... 7 người. Ông đánh giá thế nào về sự chênh lệch trong kết quả xử lý này?

- Thực hiện công tác thanh tra không chỉ có Thanh tra Chính phủ (TTCP) mà còn có thanh tra ở các địa phương. Thanh tra ở đây không chỉ nhằm vào việc xử lý mà còn có tác dụng quản lý nữa, phát hiện những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý để chấn chỉnh hay đề xuất những kiến nghị mới chứ không chỉ nhằm mục đích xử lý. Còn theo tôi, những năm qua, TTCP đã thực sự hoạt động rất hiệu quả, tất nhiên còn có cá nhân này cá nhân khác, nhưng rõ ràng TTCP đã phát hiện ra hàng nghìn vi phạm, kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng và hàng nghìn ha đất...

img Theo ông Đỗ Văn Đương, ai chủ động đưa hối lộ khiến người ta làm sai quy định chung để hưởng lợi riêng thì phải truy cứu.

Tuy nhiên, điều quan trọng là việc tổ chức thực hiện, xử lý ở các địa phương, bộ ngành vẫn chưa triệt để, chưa nghiêm túc kể cả trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo dù TTCP đã có kết luận chính xác rồi.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình thì không chỉ việc xử lý hậu thanh tra chưa triệt để mà còn có phần giơ cao đánh khẽ, thưa ông?

- Nhận định đó là đúng. Rõ ràng xử lý của mình có phần nhẹ, thậm chí là “nhu mì”, chưa cứng rắn. Vì vậy theo tôi phải có sự kết nối giữa công tác thanh tra hành chính và tố tụng hình sự. Nghĩa là cơ quan thanh tra phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan phòng chống tham nhũng, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế - chức vụ để khi phát hiện sai phạm thì đồng thời phải có biện pháp xử lý cương quyết, hợp lý, đủ tính răn đe.

Vừa rồi trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề xuất mà bà Nga cho là “giải pháp mang tính đột phá” trong công cuộc phòng chống tội phạm tham nhũng là “miễn trách nhiệm hình sự với người đưa hối lộ để tăng cao khả năng phát hiện tội phạm nhận hối lộ”. Ông có ủng hộ đề xuất này?

Quan điểm
img
Ông Đỗ Văn Đương • Ủy viên UB Tư pháp của Quốc hội
 Một số vụ án oan sai xảy ra thời gian vừa qua, theo tôi nguyên nhân chính là do vấn đề con người, cụ thể là do một bộ phận cán bộ tố tụng, điều tra. Còn về các vụ bức cung, nhục hình, thứ nhất là do năng lực của cán bộ điều tra...
 
- Theo tôi phải phân loại rõ hai loại đưa hối lộ: Có người bị ép buộc phải đưa hối lộ, đưa hối lộ miễn cưỡng thì có thể miễn trách nhiệm hình sự với họ. Nhưng với người chủ động đưa hối lộ thì không được. Ví dụ muốn giành được dự án này tôi phải biếu anh tiền, đó là chủ động đưa hối lộ thì không thể miễn trách nhiệm hình sự được. Những người chạy án cũng vậy, họ chủ động cho tiền, cho rất nhiều tiền, ai mềm lòng là “dính” luôn. Vậy sao có thể miễn trách nhiệm với đối tượng này chứ?

Quan điểm của tôi là phải làm rõ, phân loại ra, ai chủ động đưa hối lộ để làm khiến người ta làm sai quy định chung để hưởng lợi riêng thì phải truy cứu. Còn người bị ép buộc đưa hối lộ thì mới được miễn trách nhiệm. Tất nhiên, việc xác định mục đích đưa hối lộ không khó, nhưng cũng không dễ.

Vừa qua, dư luận cũng tranh luận nhiều xung quanh việc nên luật hóa quyền im lặng chờ luật sư của bị can, bị cáo. Là người hoạt động lâu năm trong ngành tố tụng, ông có thể cho biết quan điểm của mình?

- Trên thế giới đúng là một số nước phát triển áp dụng luật này, nhưng thực tế nền tư pháp của họ phát triển và số lượng luật sư họ cũng rất đông. Mỗi cá nhân đều có luật sư riêng cũng như bác sĩ riêng vậy. Còn ở ta, thực tế lại không phải vậy, chúng ta không có sẵn một đội ngũ luật sư hùng hậu như ở nước ngoài. Có thể ở thành phố thì nhiều nhưng ở vùng sâu vùng xa chẳng hạn, muốn có luật sư có khi phải chờ cả tháng. Tóm lại, luật này hay nhưng chưa xài được ở VN.

Hơn nữa, thực tế tố tụng cho thấy, có nhiều loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm như tội phạm khủng bố, tội phạm về ma túy bị đồng bọn đang truy sát thủ tiêu... mà áp dụng luật này thì không hợp lý.

Tôi nghĩ không phải cơ quan điều tra ngại việc áp dụng luật này mà tôi lo quy định này nếu luật hóa sẽ càng khiến tình trạng tội phạm lộng hành hơn. Theo tôi, trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm phải dung hòa giữa lợi ích của cơ quan điều tra và quyền lợi của công dân. Nếu quy định quá chặt với cơ quan tố tụng thì sẽ bó tay cơ quan chức năng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng nếu nới lòng thì sẽ dẫn đến tình trạng oan sai, vi phạm quyền công dân.

Theo ông, những nguyên nhân chính nào dẫn đến tình trạng bức cung, nhục hình và án oan sai xảy ra thời gian qua?

- Một số vụ án oan sai xảy ra thời gian vừa qua, theo tôi nguyên nhân chính là do vấn đề con người, cụ thể là do một bộ phận cán bộ tố tụng, điều tra. Còn về các vụ bức cung, nhục hình, thứ nhất là do năng lực của cán bộ điều tra. Có thể là do lười thực hiện công tác điều tra nên anh phải lấy việc đánh đập để buộc người ta khai ra, rồi từ đó mới đi điều tra. Thứ hai là đạo đức công vụ kém: Anh coi thường tính mạng sức khỏe con người. Thứ ba có thể là do bệnh thành tích, anh đánh đập bắt người ta nhận tội để lấy thành tích báo cáo cấp trên. Tình trạng này cần phải chấn chỉnh, xem lại ngay. Biện pháp trước hết là phải quy trách nhiệm người đứng đâu, nơi nào để xảy ra tình trạng này thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, thậm chí là cách chức người đứng đầu.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem