Mỗi dự án chế biến nông lâm thủy sản được hỗ trợ tới 15 tỷ đồng
Mỗi dự án chế biến nông lâm thủy sản được hỗ trợ tới 15 tỷ đồng
Danh Hùng
Thứ bảy, ngày 04/06/2022 10:22 AM (GMT+7)
Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân ngày 29/5 tổ chức tại Sơn La, nông dân Nguyễn Thị Trâm đến từ Lương Tài (Bắc Ninh) có hỏi về chính sách hỗ trợ đối với các dự án chế biến nông sản dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Liên quan đến câu hỏi này, Bộ KHĐT đã có trả lời bằng văn bản,
Trả lời về câu hỏi này, Bộ Kế hoạch- Đầu tư cho biết như sau:
Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung như:
- Trình tự thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp được rà soát, chỉnh sửa rõ ràng, minh bạch và đồng bộ với các Luật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thực hiện chính sách; đồng thời công tác quản lý nhà nước được triển khai thuận lợi hơn.
- Đối tượng hỗ trợ được điều chỉnh phù hợp với đối tượng đầu tư vào nông nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Tập trung vào hỗ trợ chủ yếu ngành chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn thị trường và vùng nguyên liệu nhằm phát triển nông nghiệp hiệu quả cao với mức hỗ trợ tối đa 15 tỷ đồng/dự án chế biến, bảo quản nông sản; xác định đây là một nút thắt quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…
- Nội dung hỗ trợ chủ yếu vào đầu tư kết cấu hạ tầng của dự án với các hạng mục chính là giao thông, điện, cấp thoát nước, nhà xưởng và xử lý chất thải, nhằm đảm bảo thuận lợi trong thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả.
- Bổ sung quy định đối với trường hợp địa phương không cân đối được nguồn vốn hỗ trợ thì các Bộ sẽ tham gia thực hiện hỗ trợ, tạo thêm nguồn lực, điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, giảm gánh nặng chi ngân sách cho các địa phương.
Về câu hỏi: Mong Nhà nước có cơ chế giao đất, cho thuê đất lâu dài để doanh nghiệp và HTX yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, đào tạo và khuyến khích đội ngũ tri thức, có trình độ cao trong cả sản xuất và quản trị về làm việc tại các HTX.
Đối với vấn đề này, Bộ KHĐT trả lời như sau:
Phát triển kinh tế tập thể, HTX luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong mọi thời kỳ. Qua tổng kết 20 năm về thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của khu vực KTTT, HTX trong đó thiếu vốn, thiếu đất đai để mở rộng sản xuất, trình độ người lao động đặc biệt là đội ngũ quản lý HTX còn hạn chế, đa số người già, chưa được đào tạo bài bản dẫn đến HTX kém năng động, chậm đổi mới, chưa thích ứng với điều kiện cạnh tranh của nền kinh tế thị trường sôi động.
Chính phủ đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 trong đó có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX và đưa lao động trẻ có trình độ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể.
Bên cạnh đó, Dự án Luật HTX (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng với định hướng quy định một chương hỗ trợ của Nhà nước, quy định chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích, hỗ trợ người có trình độ về làm việc cho HTX; chính sách về hỗ trợ tín dụng cho vay ưu đãi, vay không tài sản bảo đảm; tăng cường vai trò của Liên minh HTX trong việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng thành viên và người lao động HTX, tư vấn hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường.
Chính sách hỗ trợ HTX về đất đai được thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai. Mặc dù đây là nội dung rất cần thiết, quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX nhưng trong thời gian qua, phần lớn HTX không được tiếp cận chính sách này. Do vậy, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, đề nghị các Bộ, ngành và địa phương (trong đó có Hội Nông dân) chủ động đề xuất, đóng góp ý kiến gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, tổng hợp và đề xuất các quy định phù hợp, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của chính sách đất đai hỗ trợ HTX.
Về câu hỏi: Rà soát các chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ cho nông dân, HTX sao cho đúng, trúng, sát thực tiễn, đặc biệt là vấn đề vốn. Bộ KH-ĐT trả lời như sau:
Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 (Luật số 23/2012/QH13 về Hợp tác xã), có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là "hợp tác", góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt; qua đó doanh thu HTX được tăng lên, kinh tế hộ thành viên được cải thiện, tác động đến việc xóa đói, giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị tại khu vực
Chính sách hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 được thực hiện theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020. Giai đoạn 2011-2020 có hơn 413.000 lượt cán bộ, thành viên HTX được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, khoảng 7.484 HTX được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường với tổng kinh phí hơn 97,4 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 37,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 59,8 tỷ đồng), cả nước có 5.778 HTX được hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ với tổng số kinh phí khoảng 212 tỷ (ngân sách Trung ương hơn 49 tỷ, ngân sách địa phương 163 tỷ). Hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Tính đến 31/12/2019, cả nước có 56 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX,.
Trong giai đoạn 2021-2025, theo Nghị quyết 973/2020/UBTVQH, phát triển hợp tác xã được xây dựng là một trong 13 ngành lĩnh vực được hỗ trợ từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là hội nghị có số lượng và quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 1.600 câu hỏi. Đối với những câu hỏi của nông dân chưa được giải đáp, đối thoại tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị, các Bộ, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ trả lời cho nông dân bằng văn bản cụ thể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.