Quan họ bớt nỗi lo mai một

Chủ nhật, ngày 17/07/2011 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đầu tháng 7.2011, về thăm các làng quan họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhiều nghệ nhân mừng vui tâm sự: “Người già, người trẻ ở đây đã ý thức được việc gìn giữ quan họ cổ là bảo vệ sự sống còn của di sản này”.
Bình luận 0

Vào ngày gặt hái bận rộn, song trong ngôi chùa Dâu nổi tiếng đất Bắc Ninh không lúc nào ngớt tiếng hát quan họ.

Lớp học ở chùa

Được thành lập vào năm 2006, CLB Quan họ Làng Diềm hiện duy trì 4 lớp truyền dạy quan họ, mỗi lớp có khoảng 30- 40 thành viên, với đủ mọi lứa tuổi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thềm tâm sự: "Vì đây là quan họ làng, nên chúng tôi chủ yếu dạy cho các cháu được cái đặc trưng, cái vốn cổ của quan họ. Học xong, chúng tôi cho các em đi giao lưu, sau mỗi lần như thế, tự các em sẽ có niềm đam mê với quan họ và học tốt hơn".

img
Nghệ nhân quan họ Vũ Thị Hương (60 tuổi) chỉnh đốn trang phục cho 2 cháu của mình.

"Điều gì là khó nhất khi truyền dạy hát quan họ cho các em nhỏ?"- tôi hỏi. "Có lẽ, đó là dạy hát các giọng lề lối như giọng La rằng, Hừ la, La hời, Tình tang, Cây gạo, Cái ả... vì đây là lối hát rất khó, hiếm và hầu hết chỉ có người đã hát nhiều năm mới hát được"- chị Thềm cho hay.

Cô bé có khuôn mặt đậm chất quan họ Nguyễn Thị Quỳnh Mai (sinh năm 1995) cho biết: "Em đã theo học CLB này ngay từ những đầu thành lập, em thấy hát quan họ không khó, quan trọng là có niềm đam mê và rèn luyện mỗi ngày. Kể từ khi được các cô trong CLB truyền dạy, cho đến nay em có thể hát thông thạo 50 làn điệu quan họ...

Nhiều người ở các tỉnh lân cận nghe tin CBL Quan họ Chùa Dâu (Bắc Ninh) thành lập cũng cho con em mình đến theo học rất đông trong mỗi dịp hè. Sau một thời gian theo học, các em có thể hát thông thạo nhiều làn điệu dân ca và trong số đó đã có không ít các em đi thi và đạt được nhiều giải thưởng cao tại các liên hoan toàn quốc.

Khôi phục lại nhà chứa

Không chỉ những người trẻ đam mê quan họ, mà những nghệ nhân gạo cội, cho dù tuổi cao, sức yếu vẫn cố dành sức lực của mình bảo tồn một giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Cụ Ngô Thị Khu (91 tuổi) - một "chủ nhà chứa" ở Bắc Ninh cho biết: "Theo phong tục của các cụ ngày xưa thì "nhà chứa"là nơi để các liền anh, liền chị tụ họp trong mỗi dịp lễ hội. Tại đây, sẽ tổ chức các canh hát quan họ, mỗi canh hát có thể kéo dài nhiều tiếng hoặc nhiều ngày, tùy vào khả năng của người hát.

Nghệ nhân quan họ Nguyễn Phú Hiệp - Chủ nhiệm CLB Quan họ Làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị của quan họ, cần có nhà văn hóa để làm nơi cho liền anh, liền chị sinh hoạt. Bởi, nếu có người hát mà không có địa điểm hát thì rõ ràng cũng không thể phát huy được hiệu quả của việc tuyên truyền.

Hiện nay, ở Bắc Ninh không còn nhiều nhà chứa quan họ như trước nữa, bởi vậy tôi mong các cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách tu dưỡng, bảo tồn các làn điệu dân ca quan họ cổ và đặc biệt là các nhà chứa. Vì chính đó là nơi lưu giữ nhiều nhất hồn cốt dân ca quan họ qua nhiều thập kỷ”.

Cùng chung tâm sự ấy, cụ Sự ở Bắc Ninh cho biết thêm: "Ngày xưa, thời của chúng tôi thì nhà chứa được xem là nơi rất thiêng liêng. Bởi, chỉ có những người thực sự biết hát, hát giỏi quan họ mới được mời vào nhà chứa. Cứ chuẩn bị đến mùa lễ hội, chúng tôi lại gọi nhau vào nhà chứa rồi sau đó rủ nhau đi hát ở các làng mà mình "kết chạ". Mong các cơ quan chức năng chú ý gìn giữ, tu bổ các khuôn viên khu nhà chứa để các lớp thế hệ sau có điều kiện sinh hoạt văn hóa trong các dịp lễ hội".

Nghe những trăn trở của nghệ nhân hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, mới hiểu rằng để đến được với danh hiệu là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, quan họ đã mất cả một chặng đường tương đối dài. Và trước mắt, vẫn còn rất nhiều những khó khăn trên hành trình bảo tồn và gìn giữ vốn văn hóa cổ tuyệt vời ấy, vẫn cần thêm những tấm lòng mê say với quan họ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem