Quảng Nam: Loại bánh đặc sản Hội An từng tiến vua có gì đặc biệt?

Diệu Bình – Trần Hậu Thứ hai, ngày 05/08/2019 19:05 PM (GMT+7)
Dù đã trải qua giữa muôn vàn biến chuyển, đặc sản bánh đậu xanh ở Hội An (Quảng Nam) vẫn giữ được cho mình một hương vị rất riêng, xứng đáng là loại bánh đặc sản từng được cung tiến vua thưởng thức.
Bình luận 0

Loại bánh có từ thế kỷ XVIII

Theo các cao niên ở Hội An kể rằng, nghề làm bánh đậu xanh có từ lâu đời, trước thế kỉ thứ XVIII. Từ xưa, bánh đậu xanh đã là một món quà giá trị dùng để dâng tặng các quan lại, vua chúa.

Đặc biệt, trong những lần vua Minh Mạng triều nhà Nguyễn tuần du vào Quảng Nam, cư dân ở đây đã dâng tiến loại bánh đậu xanh thượng hạng ở phố Hội An để ngài ngự dụng. Trong “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: “Bánh đậu xanh sản ở Hội An là ngon nhất”.

img

Bánh đậu xanh phố Hội làm theo phương pháp nướng chứ không hấp. Nhờ đó, những chiếc bánh thành phẩm sẽ có vị giòn, khi ăn sẽ từ từ tan trong miệng cực kỳ thích thú.

Ngày nay, nối tiếp truyền thống của cha ông để lại, bằng cái tâm với nghề, các hộ gia đình đã biến những chiếc bánh đậu xanh bình dị trở thành đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước. Người Hội An làm ra chiếc bánh đặc trưng cho phố thị của mình bằng sự cẩn trọng và chu đáo đến xiêu lòng.

img

Quy trình làm bánh đòi hỏi người làm phải công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn.

Để có được những chiếc bánh đậu xanh ngon, đầu tiên người làm bánh phải chọn đậu xanh loại hạt nhỏ, ruột vàng. Đậu mang đi ngâm nước, vo rửa sạch, bỏ vỏ trước khi bắt lên luộc trên bếp lửa. Khi đậu chín, người ta tiếp tục cho vào cối xay hoặc máy nghiền nát thành bột.

Người thợ tiếp tục nhào bột với nước đường rồi nhồi trộn bột từ từ từng ít một, canh sao cho bột vừa đủ độ ẩm là được, không nên để ướt quá hay khô vì như vậy bánh sẽ khó kết dính và không chắc. Bột sau khi nhào xong tiếp tục ủ qua một đêm để bột khô hơn.

img

Những chiếc bánh đậu xanh Hội An được làm từ sự cẩn trọng và chu đáo, đậm đà tình quê.

Theo kinh nghiệm của thợ làm bánh lâu năm tại Hội An, chiếc bánh ngon hay không một phần của nhân ở giữa bánh. Nhân bánh được làm bằng mỡ heo (lợn). Mỡ phải được rán vừa độ lửa sao cho thật khéo, nếu mỡ rán quá già, bánh sẽ có mùi khét, còn nếu quá non bánh sẽ mất mùi thơm và vị béo. Để có được chiếc bánh đậu xanh như những người lành nghề ở Hội An làm, phần nhân bánh còn trộn thêm gia vị đường, muối, tiêu… theo tỉ lệ hợp lí.

Đến phần in bánh, người ta in bánh trên khuôn dạng tròn hoặc vuông. Bột được cho vào đầy các lỗ khuôn, thêm nhân ở giữa, ém chặt bột, sau đó úp ngược mặt khuôn xuống và gõ nhẹ đáy khuôn để lấy bánh ra. Cuối cùng, bánh được đem sấy chín bằng lửa (hoặc lò sấy) lần nữa cho có độ giòn và thơm hơn.

img

Nghề làm bánh đậu xanh có từ lâu đời, trước thế kỉ thứ XVIII và là một trong những đặc sản từng được cung tiến vua thưởng thức.

Khi thành phẩm, những chiếc bánh đậu xanh bề mặt khô ráo, có hoa văn đẹp, cấu trúc bánh chắc. Bẻ một miếng bánh đậu cho vào miệng nhai và nuốt đến đâu cảm giác vị ngọt, thanh lan, béo… tỏa đến đó.

Đặc sản nổi tiếng ở Hội An

Ngày nay tại Hội An, như một truyền thống tốt đẹp, nhiều cơ sở sản xuất bánh đậu xanh vẫn “đỏ lửa” trong suốt mấy chục năm qua. Và cũng chính từ nghề làm bánh ấy mà nhiều gia đình đã thoát ra cảnh nghèo khó, kinh tế phát triển đi lên.

Một trong những người “giữ lửa” cho nghề bánh đậu xanh phải kể đến gia đình bà Nguyễn Thị Bông (sinh năm 1962, trú tại tổ 43, Khối Trảng Sỏi, phường Thanh Hà, TP.Hội An). Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất bánh đậu xanh ngay tại nhà của bà, từ ngoài ngõ đã cảm nhận được mùi hương thơm thoang thoảng của đậu xanh.

img

Nhỏ gọn, thơm ngon giá lại rẻ nên bánh đậu xanh Hội An được nhiều du khách yêu thích.

Trò chuyện cùng Dân Việt, bà Bông cho biết, năm 1999 nhận thấy bánh đậu xanh được sự quan tâm của khách du lịch khi đến với Hội An, nên bà đã bắt đầu tìm hiểu, học hỏi và mở cơ sở sản xuất bánh và đến bây giờ cũng tròn 20 năm làm nghề. Vẫn chỉ là những nguyên liệu vườn quê như bao nơi khác, nhưng bánh đậu xanh Hội An lại mang một hương vị, một đặc trưng riêng của vùng đất xứ Quảng.

“Thương hiệu bánh đậu xanh của tôi được đứng vững được như hôm nay chính là sự chắt chiu tinh tế từ nguyên liệu tự nhiên kết hợp cách chế biến theo khẩu vị độc đáo của gia đình cho ra đời một loại bánh ngon đặc biệt…” – Bà Bông chia sẻ.

Theo bà Bông, hiện nay, thị trường tiêu thụ bánh đậu xanh Hội An rất rộng, không những tại địa phương mà còn các nơi khác như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn…

"Trung bình mỗi ngày gia đình tôi đưa ra thị trường được khoảng 500 gói bánh, mỗi gói bán từ 14.000-16.000 đồng (tùy theo giá bán sĩ, lẻ). Những dịp cao điểm như lễ hội, tết cổ truyền bánh đậu xanh đều cháy hàng. Ngoài giải quyết việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình thì cơ sở của tôi đang tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương. Hiện nay, bình quân thu nhập của gia đình tôi được hơn 20 triệu đồng/tháng...” – Bà Bông phấn khởi nói.

img

Bánh đậu xanh được đem sấy chín bằng lửa (hoặc lò sấy) cho có độ giòn và thơm hơn.

Nói về mong muốn phát triển bánh đậu xanh Hội An trong gian tới, bà Bông cho hay, không chỉ tôi mà các cơ sở sản xuất bánh đậu xanh tại Hội An đều luôn tâm niệm, mỗi sản phẩm bánh đậu xanh được đưa ra thị trường phải ngon, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phải mang dấu ấn riêng. Không chỉ trong nước, chúng tôi còn muốn mỗi du khách nước ngoài khi đến Hội An đều biết đến bánh đậu xanh Hội An như một loại đặc sản chỉ có ở Việt Nam…

Được biết, bánh đậu xanh đã được UBND TP.Hội An chọn làm sản phẩm OCOP và sẽ được đầu tư, phát triển mạnh trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem