Mê giống bưởi quê mình
Giới thiệu vườn bưởi lão hơn 20 năm tuổi, ông Phương chia sẻ: “Làm công chức nhưng tôi chỉ mê vườn tược, cây cối. Tôi có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng giống bưởi đường lá cam. Tôi từng thử nghiệm trồng một số giống bưởi khác và càng khẳng định không cây nào qua được giống bưởi gốc Tân Triều”.
Theo ông Phương, 5-7 năm trước, người dân xứ bưởi Tân Triều cũng đua nhau trồng xen canh thêm giống bưởi da xanh vào vườn bưởi đường lá cam truyền thống. Vì thời điểm đó, bưởi da xanh bán được giá cao, trồng lại nhanh cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Anh Phương tự hào khoe vườn bưởi đường lá cam hơn 20 năm tuổi trồng theo hướng hữu cơ.
Nhờ vùng thổ nhưỡng ven sông, chất lượng trái bưởi da xanh vùng này cũng được thị trường biết tiếng. Nhưng giờ không ai mặn mà vì trồng được vài năm là giống bưởi này bị sâu bệnh, nhanh lão hóa vì nó chuộng đất mới chứ không phù hợp với vùng đất canh tác lâu năm.
Ông Phương so sánh: “Cây bưởi đường lá cam 40-50 năm tuổi vẫn cho trái sai, trái ngon nếu mình chăm sóc tốt. Đặc biệt là chỉ vùng đất phù sa ven sông này mới trồng ra trái bưởi đường lá cam ngon nức tiếng. Tôi từng đưa trái bưởi đường lá cam thi với vườn bưởi ngon ở đất miền Tây và chính nông dân miền Tây phải thừa nhận nét đặc sắc riêng chỉ bưởi Tân Triều mới có”.
Theo đó, từ nửa ha bưởi canh tác lâu năm, gia đình ông Phương chắt chiu đầu tư thêm vườn bưởi mới rộng gần 1 hécta. Ông Phương chỉ chuyên canh giống bưởi đường lá cam vì không chỉ đứng đầu về bài toán kinh tế mà còn là lòng tự hào đây là giống đặc sản làm nên tiếng thơm cho đất Đồng Nai.
Trồng bưởi sạch
Vì trân trọng giống bưởi ngon quê mình nên ông Phương luôn trăn trở để làm ra trái bưởi có chất lượng ngon, đạt chuẩn an toàn. Vài năm trở lại đây, ông chuyển hướng phát triển vườn bưởi hữu cơ để cây phát triển bền và cho trái ngon, trái sạch.
Ông Phương khoe: “Tôi xin nghỉ hưu sớm 2 năm, tiền hưu non của tôi dồn hết vào làm được 2 hầm ủ phân hữu cơ cho vườn bưởi. Tôi cũng liên kết với kỹ sư nông nghiệp đang làm mô hình bưởi sạch tại địa phương để có một quy trình chuẩn trong sản xuất an toàn. Vườn cây không sử dụng thuốc hóa học, thuốc xịt cỏ nên tôi có thể yên tâm bứt cọng rau trong vườn ăn sống”.
Theo ông Phương, chọn trồng bưởi theo hướng hữu cơ không phải là hướng đi dễ dàng. Vụ tết năm ngoái, bưởi sạch mất bao công chăm chút nhưng ông buộc phải bán cho thương lái với giá rẻ hơn ngoài thị trường vì trái bưởi không bóng, không đẹp bằng nhà vườn khác.
Bẻ 1 trái bưởi hàng dạt, xẻ ra mời khách ăn thử, ông Phương tự tin khẳng định: “Nhờ chỉ bón phân hữu cơ, trồng sạch nên trái bưởi trong vườn của tôi đồng đều về chất lượng. Trái ít hạt, vị đậm đà. Chính vì vậy, dù bước đầu có khó khăn, tôi cũng không e ngại vì làm bưởi sạch mới là bài toán bền vững để phát triển thương hiệu loại trái cây đặc sản này”. |
Bình Nguyên (Báo Đồng Nai)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.