Nhiều đặc sản được “gắn sao” OCOP
Sau một năm thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Quảng Nam đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi khi có sự “góp mặt” của những đặc sản “nức tiếng” xứ Quảng như: Tiêu Tiên Phước, phở sắn Quế Sơn, bưởi trụ Đại Bình, dầu phụng nguyên chất đất Quảng, bánh tráng Đại Lộc, nước mắm Cửa Khe… và còn nhiều sản phẩm nông nghiệp đăc trưng khác nữa.
Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cùng lãnh đạo các sở ngành tham quan gian hàng các sản phẩm OCOP tại hội chợ. Ảnh: CTV.
Trong năm vừa qua, tại huyện Tiên Phước có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó đặc sản tiêu Tiên Phước được đánh giá là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ở xứ Quảng.
Trong thời gian qua, huyện Tiên Phước đã đầu tư hỗ trợ phát triển cây tiêu và nhận được sự tham gia tích cực của người dân trong huyện. Hiện nay, hầu như ở Tiên Phước nhà nào cũng trồng tiêu và nhờ đầu ra ổn định, giá bán cao, cây tiêu Tiên Phước mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân tại địa phương…
Tại huyện Tiên Phước, đã có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó đặc sản tiêu Tiên Phước được xếp hạng 4 sao.
Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, năm 2018, triển khai thực hiện Phương án thí điểm phát triển sản phẩm OCOP theo Quyết định số 2290/QĐ-UBND ngày 31/7/2018 của UBND tỉnh; huyện Đại Lộc đăng ký sản phẩm bánh tráng Đại Lộc do Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa làm chủ thể sản xuất tham gia Chương trình và đã được UBND tỉnh xếp hạng 4 sao. “Đây là điều đáng mừng đối với HTX Ái Nghĩa nói riêng và hàng trăm hộ nông dân làm bánh tráng lâu năm ở Đại Lộc, vì bánh tráng là nghề truyền thống ở huyện Đại Lộc từ hàng trăm năm nay…”, ông Mẫn phấn khởi nói.
Đặc sản bánh tráng Đại Lộc là nghề truyền thống lâu năm và hiện có hàng trăm hộ nông dân tham gia.
Được biết, bánh tráng cuốn ở Đại Lộc có hình dáng to tròn, trắng mịn được làm từ bột thuần gạo tạo nên một hương vị đặc trưng và hấp dẫn bất kỳ ai có dịp thưởng thức. Hiện nay, đặc sản bánh tráng Đại Lộc đã được thiết kế bao bì, nhãn mác đẹp mắt, logo độc quyền màu xanh lá cây, có in mã vạch...
Phát triển thêm 120 sản phẩm
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp, các HTX đẩy mạnh sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.
Bánh tráng Đại Lộc do HTX nông nghiệp Ái Nghĩa làm chủ thể sản xuất tham gia Chương trình và đã được UBND tỉnh xếp hạng 4 sao.
“Nhờ đó, dù mới triển khai thực hiện, nhưng Chương trình OCOP tại Quảng Nam bước đầu đã đạt được một số kết quả khá tích cực. Qua 1 năm triển khai Phương án thí điểm phát triển sản phẩm OCOP, đến nay UBND tỉnh đã đánh giá, xếp hạng và công nhận được 25 sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao… Trong đó, số lượng chủ thể là HTX đăng ký tham gia Phương án thí điểm chiếm tỉ lệ cao nhất (16 HTX, chiếm 48,49 %), đây là chủ thể được ưu tiên trong Chương trình OCOP...”, ông Thanh chia sẻ.
Năm 2019, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển các sản phẩm đã tham gia Phương án thí điểm năm 2018 và hỗ trợ phát triển/nâng cấp khoảng 120 sản phẩm mới/sản phẩm đã có.
Theo ông Lê Trí Thanh, năm 2019, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển các sản phẩm đã tham gia Phương án thí điểm năm 2018 và hỗ trợ phát triển/nâng cấp khoảng 120 sản phẩm mới/sản phẩm đã có, trong đó phấn đấu có trên 80% số sản phẩm đã đăng ký tham gia xếp hạng đạt 3 sao trở lên (khoảng trên 90 sản phẩm)... Có thể kể đến một số sản phẩm sẽ góp mặt như: Bảo chung đồng (xã Điện Phương), Tinh bột nghệ Tiên Phước (xã Tiên Lập), Nước mắm cá cơm Hà Quảng (phường Điện Dương)… và còn nhiều sản phẩm khác.
Ông Lê Trí Thanh cho biết, để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ tăng cường tập huấn và đào tạo nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất cho các chủ thể, cũng như cán bộ làm OCOP các cấp; tổ chức các Đoàn tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, nhằm vận dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
"Ngoài ra, tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác; xây dựng câu chuyện sản phẩm; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mã số, mã vạch; nhãn hiệu hàng hoá...”, ông Thanh nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.