Vì thế những ngày này, dọc theo những con đường, trên sân nhà đâu đâu cũng thấy những cái nia hoặc một cái vỉ đan bằng tàu lá dừa, trên bề mặt là những miếng chuối dẹp như con khô mực, xòe to, phơi màu vàng óng ánh dưới ánh nắng mặt trời gay gắt.
Những vỉ đan bằng tàu lá dừa phơi chuối quê tôi (Ảnh: Nhất Huỳnh).
Loại chuối để dành ép phơi khô là chuối xiêm, mà phải chọn loại chuối chín muồi để ép. Để ép chuối, người dân quê tôi chuẩn bị hai miếng lá chuối khô, đặt trái chuối vào giữa hai miếng lá chuối khô, rồi dùng thớt ép nhẹ cho trái chuối dẹp mỏng ra. Phải ép thật khéo tay để miếng chuối không mỏng quá sẽ khó gỡ, còn dày quá thì lâu khô. Còn ai không ép thì cứ để nguyên trái chuối chín muồi, chỉ cần đụng nhẹ nhàng cũng đủ làm cho trái chuối rời khỏi nải. Bóc nhẹ vỏ, để nguyên trái xếp đều trên vỉ phơi “một nắng” cho “rỏ mật”, làm cho miếng chuối khô thêm độ vàng và dẻo.
Khi chuối đã khô với màu vàng tươi rất đẹp, mọi người xếp từng miếng chuối theo từng lớp, thành một chồng dày rồi cho vào bịch gói lại, hoặc cho vào thố thủy tinh đậy nắp để dành ăn hoặc đãi khách trong những ngày tết.
Khi khách tới nhà, gia chủ dọn lên bàn một dĩa chuối khô. Chủ nhà và khách vừa trò chuyện, uống trà lâu lâu nhón tay gỡ từng miếng chuối khô, cuộn tròn lại, cho vào miệng. Không có gì thích bằng nhai chuối khô vừa hớp từng hớp trà nóng hổi, nhờ vậy mà câu chuyện của chủ và khách kéo dài đến tận đêm khuya.
Chuối khô xếp từng lớp cho vào bịch. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Đó là cách thưởng thức chuối khô tuy ngon lành nhưng hơi đơn điệu, không bằng lòng với điều đó, người phụ nữ quê tôi còn sáng tạo ra món mứt chuối khô xào gừng ngon miệng, giúp ấm bụng chống ngán thịt mỡ dưa hành ê chề ba ngày tết, độc đáo vô cùng.
Những ngày gần tết, họ cho chuối khô vào chiếc chảo lớn xào chung với gừng xắt sợi nhỏ, dừa rám vỏ nạo nhuyễn và đường, cứ một ký chuối khô trộn với một ký đường. Khi khèo (cách nói ở quê tôi) mứt, muốn miếng chuối khô quánh lại vẫn mềm mại chứ không cứng do bị “lại đường” thì phải xé nhỏ trái khóm ra từng sợi trộn vào, nếu không có khóm thì vắt một nửa trái chanh vào là được. Đốt lửa lớn, đảo đều tay liên tục chừng một giờ đồng hồ thì mẻ chuối khèo bắt đầu đặc quánh, ngả màu vàng sậm và thơm lừng. Khi mẻ chuối đã đủ độ quánh thì trải ra một chiếc mâm lớn đã chuẩn bị sẵn với những ngọn lá chuối tươi thoa dầu dừa trên đó rải đều một lớp đậu phộng rang, nén chặt. Chờ đến khi mẻ chuối nguội và cứng lại mẹ tôi mới dùng dao bén xắt ra từng miếng vuông vừa ăn, trộn thêm một lớp mè rang và bỏ vô keo đậy kín.
Dù giờ đây, ngày tết có sẵn nhiều món ngon vật lạ ngoài chợ nhưng người dân quê tôi vẫn ăn tết với “cây nhà, lá vườn” thế đấy. Tết đến, mọi người cùng thưởng thức vị ngọt đậm đà khó quên của chuối khô xào gừng, với vị ngọt đậm đà của chuối, đường mía cùng với vị béo của dừa, đậu phộng và vị cay nồng của gừng già dường như làm cho người ta xích lại gần nhau hơn, trò chuyện vui vẻ, cởi mở hơn để bắt đầu một năm mới nhiều niềm vui và hạnh phúc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.