Hội An được bao bọc bởi một hệ thống vành đai các làng nghề truyền thống như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, chiếu Cẩm Kim, rau Trà Quế… là những làng nghề góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế thương mại của phố Hội.
Những năm gần đây, khi mà phố cổ Hội An trở thành Di sản Văn hóa thế giới, khách du lịch trong và ngoài nước đến Hội An ngày càng đông hơn, các làng nghề truyền thống theo đó có cơ hội phát triển trở lại và trở thành những điểm đến hấp dẫn trong hành trình về với Hội An.
Làng mộc Kim Bồng
Đến với phố cổ Hội An ta sẽ thêm điều ngạc nhiên khi biết rằng, hầu đều các kiến trúc cổ kính nơi đây đều do bàn tay tài hoa của người thợ mộc Kim Bồng tạ dựng nên từ những ngày vàng son của thương cảng mậu dịch quốc tế Hội An.
Làng nghề - Nét hấp dẫn riêng của phố Hội.
Làng mộc Kim Bồng thuộc xã Cẩm Kim nằm bên kia sông Hội An. Làng Kim Bồng đã nổi tiếng rất lâu với nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ.
Kỹ thuật của thợ mộc Kim Bồng quả là tuyệt hảo. Những tác phẩm chạm khắc của họ trên các đầu kèo, trên xiên, trên trính, trên án thư, bàn thờ, và cả bàn ghế, tủ, khay, đều là những kiệt tác mà bất cứ ai được trông thấy cũng phải trầm trồ, xuýt xoa thán phục.
Làng gốm Thanh Hà
Nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn xã Cẩm Hà - thị xã Hội An, làng gốm Thanh Hà cách khu phố cổ khoảng 2km về hướng Tây.
Đến đây, sẽ được xem thợ gốm Thanh Hà làm đúng những công việc và theo đúng cách cha ông đã làm trong những thế kỷ trước. Từ đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện của họ, những chiếc lọ hoa xinh xắn, những bình trà, bình rượu, những chiếc ấm, bồng binh, những chum, lu, hũ, vại và cả những con vật thân thương như trâu, bò, lợn, mèo... cứ lần lượt ra đời.
Người Thanh Hà vẫn làm gốm theo đúng kiểu truyền thống với chiếc bàn xoay và đôi tay khéo léo.
Làng rau Trà Quế
"Ai về Trà Quế thì về/ Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh
Buổi mai đi bán củ hành/ Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm..."
Làng rau truyền thống Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà, thị xã Hội An.
Rau Trà Quế thơm ngon không chỉ nhờ thổ nhưỡng thích hợp, mà còn được trợ lực bằng nguồn rong phong phú vớt từ sông Đế Võng, đã thành nguồn phân bón tự nhiên nuôi dưỡng và hình thành những sản phẩm đảm bảo về chất lượng, có độ giòn, ngọt và một mùi thơm rất đặc trưng.
Người dân Trà Quế xem việc trồng rau không đơn thuần như một cơ hội tạo nguồn thu nhập, mà còn là một thú giải trí, được nâng lên hàng nghệ thuật khi tạo ra những luống rau đẹp và giữ tiếng thơm cho sản phẩm từ đời này sang đời khác. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Làng nghề làm rau kết hợp với làm du lịch.
Trải qua thời gian, dẫu nghề, làng nghề có bị mai một ít nhiều nhưng vẫn không thể làm mất vẻ đẹp, sự hấp dẫn của của một vùng đất mà dấu ấn của thời gian như người bạn đồng hành. Và sức sống của phố Hội xưa vẫn còn nguyên vẹn nơi những truyền thống văn hóa đã in đậm trong mỗi người dân nơi đây.
(Theo thethaovietnam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.