Quốc hội bàn về các chương trình mục tiêu quốc gia: Nhiều tiền, nhưng không rõ nguồn huy động

Ngọc Lương Thứ năm, ngày 05/11/2015 08:22 AM (GMT+7)
“Tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới còn khá phổ biến, nhất là các xã trong diện phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2015. Nhiều xã hiện nợ đọng hàng chục tỷ đồng...” - đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phản ánh.
Bình luận 0

Rút còn 2 chương trình mục tiêu

Chiều 4.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Nhiều đại biểu (ĐB) đã phát biểu nhất trí với việc Chính phủ rút chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 xuống còn hai chương trình là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

img

ĐBQH Cao Thị Xuân phát biểu tại Quốc hội ngày 4.11. Ảnh: H.L

Về tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 -2015, dù trong báo cáo của Chính phủ có đề cập đến những tồn tại, hạn chế, nhưng nhìn nhận vấn đề qua tiếp xúc cử tri, ĐB Cao Thị Xuân cho hay: Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, còn nhiều địa phương chạy theo thành tích nên cho nợ chỉ tiêu ứng vốn đầu tư công trình trong khi chưa có nguồn. Huy động sự đóng góp quá khả năng của người dân. Tình trạng nhiều địa phương nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới khá phổ biến.

"Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là một số địa phương đã đạt được những kết quả nhất định nhưng thiếu tính bền vững, thu nhập và đời sống của người dân ở vùng đó vẫn còn khó khăn" - ĐB Xuân nêu.

Qua công tác đi giám sát, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) khẳng định, chương trình mục tiêu quốc gia thực sự đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên theo ĐB này, nguồn vốn thực hiện các chương trình bị phân tán, về địa phương không còn nhiều. Chính vì thế việc gom lại còn 2 chương trình là cần thiết. Tuy nhiên, với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ĐB Thuyền lại băn khoăn nguồn lực bố trí để thực hiện còn ít.

Cần làm rõ nguồn huy động

"Cần xem lại chỉ tiêu đạt 50% số xã nông thôn mới vào năm 2020, bởi vấn đề đầu tư công đang thu hẹp do ngân sách khó khăn”. 
ĐB Lê Công Đỉnh 

Cũng băn khoăn về vấn đề này, ĐB Cao Thị Xuân nói thêm: Chính phủ chưa làm rõ được nguồn lực thực hiện, đặc biệt nguồn ngân sách nhà nước chiếm 33%, tương đương với hơn 330.000 tỷ đồng, nhưng trước mắt chỉ bố trí được 40.000 tỷ đồng, như vậy là quá thấp.

"Các nguồn vốn khác chiếm tỷ trọng tương đối lớn, khoảng 670.000 tỷ đồng, chiếm 67%, song lại không chỉ rõ phương án huy động. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với 2.100 tỷ đồng là do vốn huy động từ cộng đồng doanh nghiệp, quốc tế thì chưa được xác định; còn 4.712 tỷ đồng do địa phương bố trí là không khả thi" - ĐB Xuân nêu vấn đề.

ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị Chính phủ cần làm rõ phương án huy động từng nguồn lực, phương án bố trí đối với các dự án, từng thành phần để chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo tính khả thi.

Nói về chỉ tiêu, ĐB Lê Công Đỉnh cho biết, tính đến hết quý III/2015 chương trình xây dựng nông thôn mới mới có 12,7% số xã đạt chuẩn, đây là tỷ lệ còn thấp so vớic kế hoạch là 20%. Chính vì  thế cần xem lại chỉ tiêu đạt 50% số xã nông thôn mới vào năm 2020, bởi vấn đề đầu tư công đang thu hẹp do ngân sách khó khăn. 

Quy định nhà báo cung cấp nguồn tin: Chỉ nên yêu cầu với vụ án rất nghiêm trọng

Chiều 4.11, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son đã trình bày dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước Quốc hội. Dự luật đã bổ sung những quy định mới như tiêu chuẩn của tổng biên tập, phó tổng biên tập; nhiệm vụ quyền hạn của tổng biên tập, phó tổng biên tập...

Dự thảo luật quy định “cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”. Về quy định này, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Đa số ý kiến cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Về quy định cơ quan, tổ chức, công dân muốn họp báo phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trước 24 giờ của ngày làm việc và phải được sự chấp thuận bằng văn bản, theo cơ quan thẩm tra dự luật thì quy định đó không phù hợp. Ông Thi lý giải: "Trong cuộc sống luôn có những sự kiện đột xuất, bất thường xảy ra như thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, tai nạn… cần họp báo để kịp thời cung cấp thông tin cho công chúng".

Cũng theo ông Thi, dự thảo luật còn quy định chỉ được tổ chức họp báo khi được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước là hạn chế quyền tự do báo chí của cơ quan, tổ chức và công dân. Đặc biệt là đối với các cơ quan nhà nước như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban nhân dân các cấp… phải định kỳ tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí và công luận; mỗi lần họp báo phải làm thủ tục thông báo và chờ được chấp thuận, làm tăng thủ tục hành chính việc không cần thiết.

Lương Kết

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem