Quốc hội cần trả lời cho cử tri thoả đáng về sự cố Formosa

Nguyễn Minh Thứ năm, ngày 21/07/2016 12:37 PM (GMT+7)
Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM, cho rằng với sự cố Formosa, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cần phải tăng cường giám sát bởi đây là nội dung đặt hàng của cử tri. Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban môi trường… phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri, dự án này có xứng đáng tồn tại hay không.
Bình luận 0

Sự cố Formosa đã đặt ra cho chúng ta bài học về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua. Nhưng câu chuyện ở đây, chúng ta sẽ phải xử lý thế nào đối với sự cố môi trường nghiêm trọng mà Formosa gây ra cho môi trường biển?

Đối với sự cố Formosa, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ mới nhận nhiệm vụ đã tập trung xử lý ngay, tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể. Nhưng vấn đề nhà đầu tư Formosa là nhà đầu tư có lý lịch về mặt môi trường là không tốt, đáng lý ra với lý lịch đó thì phải được ưu tiên hàng đầu về đầu tư và giảm sát. Đó là bài học lớn cho vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là FDI thời gian qua.

img

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, đoàn Tp.HCM

Chúng ta đồng ý quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế với môi trường. Tôi đồng ý quan điểm đó và phải được xuyên suốt trong gia đoạn tới. Ta cần huy động vốn của FDI, nhưng không có nghĩa là huy động bằng mọi giá. Vấn đề nữa là cạnh tranh trong thu hút vốn FDI của các địa phương, Formosa không còn là của Hà Tĩnh mà là dự án liên quan đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, liên quan đến ngành về kinh tế biển, ngành về du lịch và liên quan đến đất nước, nền kinh tế quốc gia.

Do đó, vấn đề Formosa khi giải quyết phải xem đây là dự án quốc gia, không thể giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh hay sở tài nguyên môi trường tỉnh để giải quyết. Tất cả xử lý đó phải của một đơn vị, của một ủy ban quốc gia.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cần phải tăng cường giám sát, đây là nội dung đặt hàng của cử tri tới đây. Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban môi trường… phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri, dự án này có xứng đáng tồn tại hay không. Theo tôi là không.

Vấn đề tiếp theo sau đây trong đền bù cho người dân, hồi phục môi trường như thế nào?

Vừa qua ta đã có chính sách hỗ trợ cho người dân, nhưng cũng không thể bù đắp được những tổn thương cho ngành kinh tế biển, người dân, lòng biển và tài nguyên thiên nhiên biển. Đây là tổn thương không thể bù đắp được. Do đó, nên xem xét thận trọng và có cơ quan để khẳng định rằng Formosa có nên tồn tại nữa hay không ở vùng Hà Tĩnh.

Nếu dự án Formosa không tồn tại thì giải quyết hậu đầu tư như thế nào?

Chính phủ nên có giải quyết minh bạch ở đây, khi giải quyết các vấn đề về môi trường, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài mà tất cả doanh nghiệp hoạt động trên đất nước Việt Nam, cần rà soát lại toàn bộ vấn đề môi trường, đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và không ảnh hưởng môi trường Việt Nam.

Những dự án nào không thỏa mãn tiêu chí môi trường thì phải ngừng ngay và Formosa là dự án tiêu điểm. Hậu quả không lớn bằng để một nhà đầu tư nước ngoài đã có lý lịch không tốt về môi trường, lại tiếp tục tàn phá môi trường. Nên chúng ta phải chấp nhận và thuyết phục, vì có thể ảnh hưởng nhà đầu tư khác, nếu không co cơ sở khoa học thì sẽ thiếu tính thuyết phục.

Đài Loan có nhiều vốn đầu tư rót vào Việt Nam nên cần phải có cơ chế rõ ràng và minh bạch. Chúng ta đang cần thu hút vốn FDI trong xu thế hội nhập, nhưng làm việc phải rõ ràng minh bạch và có cơ sở rõ ràng. Nên ta phải có Ủy ban giám sát, Ủy ban khoa học và Uỷ ban kinh tế để làm rõ và công bố sớm trong việc dừng dự án này.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem