Khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối tượng dùng mỏ lết đánh tài xế xe ô tô
Vừa qua mạng xã hội Facebook lan truyền clip ghi lại cảnh một người đàn ông đi xe ô tô dùng tay, mỏ lết đánh tới tấp tài xế ôtô đi ngược chiều.
Sự việc xảy ra vào khoảng 18h45 ngày 15/9 trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Trong đoạn clip, người đàn ông đi xe 7 chỗ chạy từ đường Phạm Văn Đồng rẽ phải vào đường Kha Vạn Cân rồi dừng lại, xuống xe dùng tay đánh vào tài xế ôtô chạy ngược chiều.
Người đàn ông này sau đó mở cửa, lấy mỏ lết tiếp tục đánh nhiều lần vào người tài xế, vừa đánh người đàn ông vừa nói "mày bước ra đây". Trên ôtô của tài xế bị đánh có chở theo phụ nữ và trẻ em, người phụ nữ liên tục la hét van xin người đàn ông dừng lại.
Nhận thông tin, Công an TP Thủ Đức đã phối hợp với Công an phường Hiệp Bình Chánh vào cuộc điều tra, mời Giang đến trụ sở làm việc.
Tối ngày 17/9, Công an TP Thủ Đức (TP HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Ngô Đức Giang (43 tuổi, ở quận Phú Nhuận) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Theo hồ sơ điều tra, xe của Giang đi đúng chiều nhưng anh S., chạy xe mang biển số tỉnh Đắk Lắk đi ở chiều ngược lại lấn làn và xảy ra va quệt. Giang bực tức, xuống xe hành hung tài xế.
Trong vụ việc trên, đối tượng liền một lúc thực hiện nhiều hành vi phạm tội nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm hại đến sức khỏe, tính mạnh, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người khác, đến các quy định về trật tự công cộng được Pháp luật bảo vệ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có ý coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình giao thông và trật tự an ninh tại địa phương nên việc xử lý đối tượng bằng biện pháp hình sự là cần thiết và đúng quy định của pháp luật.
Theo luật sư Bình, thay vì xuống xe để kiểm tra hiện trạng, trao đổi với tài xế thì đối tượng lại trực tiếp dùng ngôn từ và hành vi bạo lực để giải quyết. Có thể thấy đối tượng đã thiếu sự bình tĩnh, sáng suốt dẫn đến thực hiện hành vi nguy hiểm, cực đoan và thể hiện tính côn đồ của đối tượng.
Quá trình xảy ra vụ việc, ngoài hành vi mà phía cơ quan điều tra nhận định bước đầu, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các Tội gây rối trật tự công cộng, Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội giết người; Tội làm nhục người khác và Tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Công an TP Thủ Đức (TP HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Ngô Đức Giang (43 tuổi, ở quận Phú Nhuận) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Ảnh: CACC
Trường hợp phía cơ quan điều tra xác định đối tượng có hành vi trên thì thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà đối tượng có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Đối tượng có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo điểm a khoản 1, điểm a khoản 3, điểm a, b khoản 5, điểm a khoản 13, điểm c, đ khoản 14 Điều 7; điểm a khoản 2, khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi gây mất trật tự công cộng; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức.
Đồng thời, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; trục xuất nếu là người nước ngoài và bị buộc xin lỗi công khai; buộc chi tra chi phí khám, chữa bệnh; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản.
Nếu các hành vi của đối tượng Ngô Đức Giang có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xem xét xử lý theo Điều 123 hoặc Điều 134, Điều 155, Điều 178 và Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cũng theo luật sư Bình, phía cơ quan điều tra có thẩm quyền sẽ tiếp tục điều tra, xác minh vụ việc đồng thời cũng sẽ căn cứ vào sự hợp tác của người phạm tội trong quá trình điều tra, việc bồi thường, khắc phục hậu quả, các tình tiết về nhân thân người phạm tội, động cơ dẫn đến tội phạm, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ nhẹ trách nhiệm hình sự… từ đó xem xét khung hình phạt, mức hình phạt phù hợp cho người phạm tội theo quy định của pháp luật.
"Hiện nay tình trạng sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp đang có dấu hiệu gia tăng. Nhiều vụ việc thậm chí các đối tượng còn gọi người, tụ tập thành nhóm với đủ các loại hung khí có khă năng gây sát thương cao để giải quyết mâu thuẫn. Điều này thể hiện phần nào sự xuống dốc về mặt tư tưởng, đạo đức con người ở một số đối tượng. Từ đó có thể gây thiệt hại cả về người và của, gây xôn xao dư luận, mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Để tránh xảy ra các vụ việc như trên tiếp diễn, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp cụ thể và đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân khi gặp phải xung đột thông qua các hoạt động tuyên truyền, tổ chức diễn tập... để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Người dân cũng cần năng cao hiểu biết và nghiêm túc tuân thủ quy dịnh của pháp luật. Khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột cần giữ được sự tỉnh táo, bình tĩnh để tìm ra phương án giải quyết phù hợp; tránh sử dụng bạo lực, to tiếng. Đồng thời, cần lên án và phê phán những hành vi bạo lực, nếu phát hiện sự việc thì cần trình báo ngay tới cơ quan chức năng để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc", luật sư Bình nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.