Sáng 15.9, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo Công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung – tác động đa chiều.
Theo Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, "quyền im lặng" được quy định trong pháp luật nhiều nước, và nội dung quy định này cũng có sự khác nhau ở mỗi quốc gia, tùy theo các điều kiện kinh tế, xã hội và truyền thống pháp luật ở mỗi nước.
Theo đó, quyền im lặng có một số nội dung cơ bản: Nghi phạm có quyền không đưa ra lời khai chống lại chính mình; nghi phạm có quyền có luật sư để hỗ trợ pháp lý nói chung, hỗ trợ khi khai báo nói riêng; nghi phạm có quyền có luật sư chứng kiến khi lấy lời khai. Vì thế, các điều tra viên, công tố viên cần giải thích cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền khai báo sau khi giải thích về quyền im lặng.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2015/images/2015-09-15/1442312020-binhphuoc.jpg)
Bị can Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước
Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng, “quyền im lặng” của người bị buộc tội đi kèm với nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo các nguyên tắc và các quyền liên quan như quyền được cảnh báo buộc tội, quyền bào chữa, nguyên tắc “suy đoán vô tội”, chống bức cung, dùng nhục hình...
Nhìn nhận về vấn đề này, LS Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, “quyền im lặng” sẽ tạo ra những đột phá trong công tác điều tra, phá án, không còn những câu chuyện oan sai như thời gian qua.
"Nếu Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định về quyền im lặng thì những thông tin về quyền này phải được in thật to, rõ ràng, thậm chí treo trong buồng hỏi cung để chính bị can, bị cáo hiểu được quyền của mình", LS Chiến nói.
Ở một góc nhìn khác, TS.Nguyễn Văn Hương – Chủ nhiệm bộ môn Luật hình sự, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, trong các vụ án cơ quan điều tra có rất ít thông tin để phá án, trong khi người phạm tội thường có hành vi xóa dấu vết, che giấu hành vi phạm tội của mình… Do đó, thực hiện “quyền im lặng” sẽ là một khó khăn, thách thức cho hoạt động tố tụng hình sự, có thể dẫn đến bế tắc trong giải quyết vụ án.
Là người quan tâm nhiều về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP.HCM) từng nói: "Quyền im lặng" quy định như thế nào để phù hợp chứ đừng làm bó tay cơ quan tiến hành tố tụng. Ông Đương đã lấy ví dụ, vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước, 4 người ở Nghệ An, các nghi can cứ vin vào "quyền im lặng" để chờ đến khi có luật sư vậy lấy lời khai điều tra vụ án thế nào?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.