Clip: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi lễ ra mắt Cục Chế biến và PTTTNS.
Cục Chế biến và PTTTNS là tổ chức trực thuộc Bộ NNPTNT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản và muối; điều phối các hoạt động phát triển thị trường; đầu mối quản lý và chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
Toàn cảnh lễ ra mắt Cục Chế biến và PTTTNS tại Hà Nội vào chiều ngày 21.6.
Nhiệm vụ quan trọng của Cục Chế biến và PTTTNS là xây dựng chiến lược về thị trường nông sản trong nước và quốc tế, xây dựng cơ sở dữ liệu, thương mại điện tử phục vụ xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng sẽ phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng Đề án khởi nghiệp trong nông nghiệp và Đề án phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2025.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại lễ ra mắt Cục Chế biến và PTTTNS.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biế, đối với Việt Nam, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và ổn định xã hội. Qua 30 năm đổi mới, chúng ta đã chuyển nền nông nghiệp từ thiếu ăn sang đáp ứng đủ nhu cầu lương thực và xuất khẩu. Năm 2016, xuất khẩu đạt 32 tỷ USD, 10 nhóm ngành hàng xuất trên 1 tỷ USD.
Cũng tại buổi lễ ra mắt, Cục Chế biến và PTTTNS đã ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực chế biến, thị trường…
“Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước 3 thách thức: Nền sản xuất vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, với trên 10 triệu hộ nông dân, nên năng suất lao động thấp so với khu vực thế giới. Thách thức về BĐKH khi Việt Nam là một trong 5 năm nước ảnh hưởng nặng nề nề nhất của BĐKH, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Về hội nhập, bên cạnh nhiều thị trường, triển vọng thì thách thức cũng rất lớn” - Bộ trưởng chia sẻ.
Trước tình hình đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tái cơ cấu ngành theo hướng tập trung, bền vững, theo chuỗi giá trị sâu, thích ứng với BĐKH, ứng dụng công nghệ cao. Ngành cần tổ chức chế biến nông sản, tổ chức thị trường, tổ chức thương mại. “Hiện nay, khâu chế biến, thị trường chúng ta còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường, đây cũng là nguyên nhân xảy ra việc giải cứu hết nông sản này đến nông sản khác”- Bộ trưởng khẳng định.
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản, chế biến bên sảnh ngoài nơi diễn ra buổi lễ ra mắt.
Theo Bộ trưởng, thị trường thế giới hiện biến động khôn lường, nhất là thị trường hàng nông sản. Vì thế, việc thành lập Cục Chế biến và PTTTNS có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sau khi ra đời, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp… để tổ chức tốt hơn nữa khâu sản xuất và thị trường. Với mục tiêu khai thác triệt để thị trường xuất khẩu với 7 tỷ dân và thị trường nội địa với 92 triệu người.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa của việc thành lập Cục Chế biến và PTTTNS, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, việc thành lập Cục Chế biến và PTTTNS với mong muốn của Bộ là tăng cường chức năng phát triển thị trường đối với ngành hàng nông sản và là đầu mối để phối hợp chặt chẽ các đơn vị chức năng của Bộ với các Bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công thương trong hoạt động xuất nhập khẩu nông sản.
Các sản phẩm nông sản tươi, chế biến trưng bày tại buổi lễ ra mắt rất phong phú và đa dạng.
“Đối với sản xuất trong nước, Cục sẽ tham mưu cho Bộ trưởng về cơ chế, chính sách phát triển thị trường nông sản trong nước, phân tích, dự báo và tổng hợp về tình hình sản xuất và cung cầu hàng nông sản. Phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu điều hành cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu về nông sản, về cơ chế, chính sách thương mại nông sản biên giới. Thêm nữa là Cục sẽ tham mưu cho Bộ trưởng xây dựng chương trình phát triển thương hiệu nông sản thuộc nhiệm vụ quản lý của Bộ và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, với nhiệm vụ mới này, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy của Cục, trước hết là hoàn thiện các quy chế, các chức năng nhiệm vụ, bổ sung cán bộ chuyên môn để tăng cường tham mưu cơ chế phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ cũng như ngoài Bộ và các địa phương để làm sao vận hành một cách đồng bộ.
Theo Thứ trưởng, về bộ máy, trước mắt sẽ thành lập mới Chi cục Chế biến và PTTTNS phía Nam, sau đó từng bước theo yêu cầu, nhiệm vụ, sẽ thành lập chi cục ở 5 vùng trên cả nước. Ngay sau khi công bố thành lập, Bộ sẽ gửi văn bản đến các địa phương đề nghị phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin để dự báo thị trường một cách chính xác.
“Tôi cho rằng, việc dự báo cung cầu là nhiệm vụ khó và quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản hiện nay. Bộ NNPTNT không thể bao quát hết toàn bộ những vấn đề cụ thể về sản xuất ở các địa phương, cho nên Bộ rất cần sự hỗ trợ hợp tác của các Bộ, ngành và các địa phương nhằm tăng cường phối hợp cung cấp, xử lý thông tin và điều hành một cách đồng bộ vì thiết nghĩ chúng ta đang tập trung phát triển thị trường nông sản xuất khẩu nhưng không được quên thị trường trong nước đang rất tiềm năng và triển vọng để góp phần nâng tầm vị thế của chúng ta” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.