Rào cản lớn về ngôn ngữ

Thứ ba, ngày 29/06/2010 18:08 PM (GMT+7)
(NTNN) - “Dạy nghề cho nông dân đã khó, dạy nghề cho nông dân ở những vùng sâu vùng xa lại càng khó khăn hơn gấp bội” - ông Phạm Văn Thuân - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân Lào Cai cho biết.
Bình luận 0
img
Những học viên lớp thêu thổ cẩm ở Tả Phìn.

Triển khai Quyết định 1956, tỉnh Lào Cai đã tổ chức các lớp học nghề truyền thống. Ông Phạm Văn Thuân cho biết: “Ngoài những khó khăn chung như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, kinh phí mở lớp còn hạn chế... thì còn có vấn đề ngôn ngữ. Lào Cai là nơi sinh sống của 25 dân tộc. Ở nhiều nơi bà con còn không biết chữ, không biết nói tiếng Kinh. Muốn nói, muốn dạy học cho bà con phải thông qua phiên dịch. Điều này khiến chất lượng dạy và học bị hạn chế nhiều”.

Lớp thêu thổ cẩm truyền thống xã Tả Phìn (huyện Sa Pa) là một trường hợp cụ thể. Cả lớp có gần 30 học viên nhưng số người biết tiếng Kinh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong khi đó, điều khá thú vị là hầu hết các học viên đều nói tiếng Anh thành thạo do tiếp xúc nhiều với khách du lịch nước ngoài.

img Để có thể đến lớp, nhiều học viên lớp tôi phải đi bộ gần 1 tiếng, đi bộ hơn chục cây nhưng vẫn không được hỗ trợ tiền đi lại. Theo quy định của Quyết định 1956 thì học viên chỉ được hỗ trợ chi phí đi lại nếu xa quá 15km. Tuy nhiên, địa hình miền núi và địa hình miền xuôi hoàn toàn khác nhau. Tôi đề nghị các cấp lãnh đạo xem xét hỗ trợ những học viên miền núi đi học. img

Bà Chảo Sử Mẩy

Chảo Mẩy Piết, 17 tuổi (dân tộc Dao), học viên lớp thêu thổ cẩm truyền thống cho biết: “Em học đến lớp 3 thì thôi không đi học nữa mà theo mẹ đi bán thổ cẩm cho khách nước ngoài nên lâu ngày quên mất tiếng Kinh. Giờ đi học nghề các thầy giáo nói tiếng Kinh em nghe câu được câu không nên cũng ngại học”.

Bà Chảo Sử Mẩy -Hội trưởng câu lạc bộ thêu thổ cẩm truyền thống xã Tả Phìn bùi ngùi: “Các em học viên ở đây nghèo lắm, bố mẹ không muốn cho chúng nó đi học đâu. Họ muốn chúng chạy theo khách du lịch để bán hàng. Như cái Piết, Khé ấy… vừa học vừa phải đi bán hàng cho khách du lịch. Bố mẹ nó mà biết nó mải học quên không đi bán hàng là ăn no đòn”.

Theo bà Mẩy, những giáo viên giỏi, những thợ thủ công giỏi không phải ai cũng biết tiếng dân tộc. Để chất lượng dạy học đạt được hiệu quả cao, biện pháp là nhờ một người biết tiếng dân tộc và tiếng Kinh để truyền đạt lại nội dung của giáo viên đến học viên. Tuy nhiên, điều này gặp rất nhiều hạn chế vì đôi khi người phiên dịch truyền đạt không đúng bài giảng của giáo viên đến học viên.

Ông Thuân tâm sự: “Hiện tại, trung tâm đang cố gắng xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên là thợ giỏi, nông dân sản xuất giỏi biết tiếng dân tộc. Tuy nhiên, điều này hết sức khó khăn và không thể giải quyết một sớm một chiều được”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem