|
Minh họa: Nguyễn Khánh Toàn |
"Tập tàng", ta biết rồi, là gồm nhiều loại rau rừng khác nhau trộn lại, là đủ các mùi vị của rừng chưng cất, là toàn bộ cái hay cái ngon cái độc đáo, cái chỉ có, tuyệt đối chỉ có của rừng hỗn hợp và lên men.
Rừng cộng lại và nhân lên. Và từ trong máu, trong li ti huyết quản, hẳn truyền lại từ đời này sang đời khác bằng một hệ gen riêng biệt, được rừng dạy cho và học được của rừng từ trong bụng mẹ, mỗi đứa bé Tây Nguyên, năm tuổi, bốn tuổi, ba tuổi, thậm chí hai hay chỉ một tuổi thôi đều thuộc nằm lòng.
Hôm nay hai cậu bé bốn tuổi và ba tuổi con trai của Bok Tơ, người còn trụ lại giữa rừng xanh, muốn đem chiêu đãi chúng tôi. Không chờ đến tối nay, trong bữa ăn, ngay cả bây giờ nữa, trong khi dẫn chúng tôi lang thang len lỏi trong rừng già mà cha mẹ chúng còn cố níu lấy, chỉ cho chúng tôi từng loại lá loại lá ăn được, cái vị ngon riêng biệt của từng thứ, từng món, cái nghệ thuật tạo nên bởi việc trộn lẫn tài tình loại lá này với loại lá nọ chứ không phải một loại lá nào khác, cả cái nào trước cái nào sau nữa, một thứ tự tài hoa mà rừng vô tận hiền minh đã dạy cho con người...
Ở trong rừng, hai đứa bé là những người thầy từng trải, dày dạn, thông minh. Hai nhà bác học của rừng. Cứ như chúng với rừng, với cây, với lá ấy là một, từ những bao giờ, bao giờ, không có khởi đầu, cũng sẽ chẳng có kết thúc. Chúng là con đẻ của rừng. Rừng tự nhiên. Vĩ đại. Đa tạp. Còn chúng tôi thì quả đúng là một lũ học trò vụng dại, ngớ ngẩn.
Chúng tôi đang trở thành những đứa con hoang của một thứ mà chúng ta cũng gọi vống lên là rừng: Rừng cao su. Cao su thì độc canh. Dưới tán cao su không còn bất cứ cây gì sống được. Tuyệt không có, không còn rau tập tàng! Cao lương mỹ vị mấy cũng có thể có, nhưng một nồi canh rau tập tàng thì nhất định không. Không chỉ một văn hóa ẩm thực khác đâu, một văn hóa sống khác, độc canh, đơn nhất, khô cằn...
Khi nồi canh tập tàng vừa sôi trên bếp thì bỗng xuất hiện một người với chiếc gùi lớn đứng choáng cả khung cửa: Vị chủ nhà, Bok Tơ. Trời đã tối, nhưng ánh lửa trong bếp lúc này đã bùng to cũng đủ soi rõ một khuôn mặt tuyệt vời, không, không phải một khuôn mặt, một cái cười có thể lập tức cho ta hiểu được tất cả về con người đang đứng đó.
Cái cười làm bừng sáng cả khuôn mặt, thôi bây giờ thì tôi biết rõ rồi, của một người Ba Na điển hình, người Ba Na, dân tộc nghệ sĩ nhất ở Tây Nguyên. Hình như tôi đã có lần nói về điều này: Người Ba Na có một triết lý sống đặc biệt: Làm đủ ăn thôi là được rồi, giàu có dư thừa mà làm gì, còn thì để thời giờ mà chơi, mà tận hưởng cuộc đời! Và chơi gì, ở đâu? Chơi trong rừng, lang thang trong rừng, đi tìm con cheo, con chồn, con dúi, con chuột, con cá, cây nứa và quả bầu khéo làm đàn gong, đoạn trúc đẹp làm cây sáo hay, khúc giang mướt nướng cơm lam ngon...
Bất chấp hết mọi thứ khác trên đời, bất chấp hiện đại, bất chấp công nghiệp, bất chấp cao su, bất chấp tất cả... Bây giờ thì người đàn ông bất chấp ấy đã từ rẫy về, đứng đó đầy ngưỡng cửa trong buổi chiều đang xuống sẫm và toét miệng cười chào chúng tôi. - Chào cả nhà, anh nói lơ lớ tiếng Kinh, mấy đứa nhỏ đã đi hái đủ rau tập tàng chưa, các con? Rau tập tàng rừng Kon Braih Yu ngon nhất đời. Hái rau đãi khách chớ... - Đủ rau rồi, Bok Tơ ơi, ngồi xuống đây đã... Nhưng anh đã đặt gùi xuống và cầm mấy cái lờ vội quay ngay ra cửa: Để mình ra suối tìm có con cá nào không.. Và rượu cần cho đêm nay nữa chớ!..
Vài phút sau thì bà chủ nhà cũng về. Đường xa, mệt và ướt, chị đổ người xuống bên bếp lửa. Và bốn đứa trẻ, kể cả thằng lớn nhất, suốt ngày chững chạc chăm lo cho các em, bây giờ bỗng đua nhau ùa vào lòng mẹ, chen nhau để được mẹ ôm một cái, vuốt nhẹ một một bàn tay lên mái đầu...
Bên ngoài đã hơi trở gió và đêm rừng đã se se rét. Ánh lửa chập chờn soi một gia đình hạnh phúc. Và chúng tôi, đến từ thế giới của chen lấn điên cuồng của hiện đại hóa, chúng tôi được những người chủ của rừng hào phóng chia sẻ một đêm hạnh phúc mà họ dư thừa...
Cơm và canh rau núi tập tàng đã được dọn ra. Bây giờ thì chúng ta có thể hiểu vì sao Georges Condominas lại đặt tên cuốn sách của mình là "Chúng tôi ăn rừng". Quả thật, đi rừng, không được ăn một nồi canh rau tập tàng của rừng thì cũng coi như chưa đi. Đêm nay Bok Tơ còn đãi chúng tôi một món đặc sản cũng tuyệt không kém: Cơm lam chấm với lá é giã ớt, cay xé lưỡi mà nuốt rồi, thêm một húp canh rau tập tàng thì thấm mãi ở cuống họng một vị ngọt đắng cay khó tả và không thể quên. Thực đơn kỳ diệu của rừng...
Rồi rượu cần được buộc vào cây cột giữa nhà. Và đêm la đà bất tận của Tây Nguyên bắt đầu. Bok Klơh ở nhà bên cạnh cùng sang. Bok Klơh là chuyên gia đàn gong, và cũng là người chưa chịu bỏ làng cũ trong rừng sâu ra với dự án cao su ở làng định cư mới của Bok Deh.
Tôi đã được gặp ông một lần nhưng chưa bao giờ được nghe tiếng đàn của ông. Đêm nay cũng vậy, ông mang cây đàn sang nhưng khó tính đến gàn dở như một nhạc công trưởng của triều đình, ông chỉ ngồi trịnh trọng, chăm chú chỉnh đi chỉnh lại dây đàn, mất đến gần nửa tiếng, mặc cho chúng tôi sốt ruột. Rồi ông trao đàn lại cho Bok Tơ. - Đúng với tiếng rừng rồi đó, ông bảo.
Bạn đã nghe người Ba Na hát trong rừng sâu đêm khuya bao giờ chưa? Đêm nay chúng tôi được hưởng cái hạnh phúc ấy. Rừng già. Đêm thăm thẳm. Một căn nhà nhỏ lạc giữa mênh mông chừng vô tận và vĩnh cửu của rừng, hoàn toàn tách ra khỏi toàn bộ thế giới và nhân quần, mặc kệ hết cái thế giới và nhân quần hỗn tạp ấy.
Một bếp lửa chập chờn, lúc soi tỏ từng khuôn mặt người, lúc phủ nhòa đi tất cả, khiến tất cả bỗng trở nên huyền ảo, huyền hoặc. Và một người đàn ông ngồi đó, đẹp lạ lùng, một vị tiên giản dị và nghèo hèn, một nghệ sĩ chỉ có rừng biết, cây cỏ của rừng và muông thú trong rừng biết và quen thân, với cây đàn gong hờ hững trên tay, ông cất tiếng hát.
Tiếng hát sao chẳng duyên cớ gì mà bỗng thống thiết đến thế, ông vuốt từng chữ, từng âm, từng tiếng, từng lời, mỗi tiếng, mỗi lời dường như từ gan ruột mà trào ra... Buông thả mà nắn nót. Dân dã mà sang trọng. Trong veo mà nặng trĩu tâm tình sâu kín dường không thể thổ lộ. Trao gửi và giữ gìn. Là tiếng hát của người, mà cũng là tiếng hát của rừng. Ở đây con người với rừng đã tuyệt đối là một. Lời hát vừa như có nghĩa vừa như chẳng có nghĩa gì cả, chẳng có duyên cớ gì hết, thống thiết buồn, vô cớ, cũng vô cớ và vô cùng như rừng vậy...
Dang ei thoi gio oh oi/Nhong au hel jt/Jing thoi de royup/Papuk to so ngon /Gon oh bi vao…
Em ơi, sao giờ đây anh buồn quá/ Giọng anh như người mất trí mất rồi/ Muốn đi đến chỗ em nhưng lòng lại buồn/ Biết cái tai em có còn muốn nghe…/ Mới gặp mà anh nhớ luôn luôn/ Làm sao để cho quên được em/ Hỡi em/ Sao bỗng thương tiếc như tiếc hoa héo tàn/ Hoa đẹp Ro sang/ Em đẹp quá em ơi/ Đẹp tựa con trời/ Hỏi nhìn em anh làm sao còn chịu nổi/ Ơi em…
Vậy đó, tình yêu, hạnh phúc, đau khổ, ước mong, thất vọng, hy vọng, vô vọng, có nghĩa và không có nghĩa, như cuộc đời con người, như rừng...
Có lẽ đã đến ba hay bốn giờ sáng. Người Tây Nguyên thường nói: Uống cho đến nhạt một ché rượu cần. Cho đến cạn chất say ở đáy ché. Bok Tơ dành cho tôi cần rượu cuối, cần rượu ở đáy ché ấy. Chia đôi.
Rồi chúng tôi lăn ra ngủ.
Cho đến khi bừng thức thì bên ngoài rừng đã ửng sáng. Bên bếp lửa đã thấy người mẹ cùng bốn đứa con chen trong lòng.
Bok Tơ bảo: Hôm nay tôi cùng đi với các anh ra chỗ Bok Deh - Để làm gì thế? Chúng tôi hỏi. Bơk Tơ đeo gùi lên vai: Mình đi sớm đi, bữa nay nắng, leo dốc mệt đấy. Mình ra gặp Bok Deh để nghe phổ biến việc dời luôn hết ra làng mới. Dự án cao su đã bắt đầu rồi. Dồn hết về làng mới để làm cao su mà...
Bỏ rừng già sao? Tôi buột miệng.
Rừng già và rau tập tàng - Bok Tơ bảo.
Đi hết cả mấy nhà này à?
Chắc mình phải đi trước. Còn Bok Klơh chưa chịu. Bok ấy bảo chết ở đây thôi. Chết với rau tập tàng mà. Khi cao su vào đến đây nữa thì còn gì rau tập tàng. Lần sau anh lên biết có còn không... Mà không còn thì anh lên làm gì nữa. Chỉ có cao su thôi. Hết tập tàng...
Lần này nữa, người đàn ông ấy vẫn cười. Vẫn cái cười ấy, hiền, sâu, và thăm thẳm buồn. Hiền, sâu, thăm thẳm đến thế, mà vẫn bất lực.
Như rừng.
Ngyễn Ngọc
12-2010
Vui lòng nhập nội dung bình luận.