Rối cạn kêu cứu

Thứ tư, ngày 16/03/2011 20:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dòng họ Ma Quang ở thôn Thẩm Rộc (xã Bình Yên, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) qua 9 đời nay đã gìn giữ môn nghệ thuật múa rối cạn độc đáo. Song hiện nay, “báu vật” này đang có nguy cơ mai một.
Bình luận 0

Ai từng xem múa rối Tày Thẩm Rộc hẳn sẽ không thể nào quên những con rối được điều khiển bằng que tre, kết hợp với tiếng đàn tính, sáo và hát then tạo.

img
Anh Chóng hoài vọng bên những con rối sắp thất truyền.

Độc đáo

Anh Ma Quang Chóng - Trưởng phường rối Thẩm Rộc cho hay: “Người xưa thường dựa vào muông thú, cỏ cây để dự đoán thời tiết, như số lần con tắc kè kêu là chẵn thì trời nắng, là lẻ thì trời mưa, nên các cụ đã sáng tác ra trò tắc kè leo cây chờ mưa và người người trèo cây bắt tắc kè…”. Mỗi buổi biểu diễn thường hơn một tiếng theo trình tự “tiền ối, hậu la”.

Ông tổ 9 đời của dòng họ Ma Quang là cụ Ma Công Bằng đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật độc đáo này. Bộ rối cổ của dòng họ Ma Quang đã có gần 200 năm, gồm 33 con, chỉ có trùm phường rối mới được giữ và lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối. Người trong họ qua đời thường được gửi theo con rối vì sợ ma hát (bắt).

Cũng vì lý do này mà những người ngoài họ có muốn cũng không dám học làm rối và múa rối. Rối Tày Thẩm Rộc thường được dòng họ Ma Quang biểu diễn vào dịp đầu năm, Tết Nguyên đán, hội làng hay hội Lồng Tồng… để mua vui cho công chúng, cùng với ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Nguy cơ mai một

Sau hơn 40 năm vắng bóng, rối Tày Thẩm Rộc mới được khôi phục và biểu diễn trở lại từ năm 1999. Say mê với loại hình nghệ thuật truyền thống này, anh Ma Quang Chóng đã sáng tạo ra nhiều con rối mới. Phường rối thường duy trì số lượng từ 13 - 15 thành viên. Năm 2000, phường từng tham dự Liên hoan Nghệ thuật rối quốc tế tại Hà Nội.

Anh Chóng cho biết, một buổi diễn trước kia phải gồm 8 trò, kéo dài cả buổi, nay phường đã giảm xuống còn một trò gồm nhiều mục nhỏ. Nhưng 2 năm trở lại đây, phường rối Thẩm Rộc đã không tổ chức được buổi tập luyện và biểu diễn nào, các thành viên đi làm ăn mỗi người một nẻo.

Bản thân anh Ma Quang Chóng hiện sức khoẻ đã yếu do bị tai biến mạch máu não, không thể tạo hình con rối và tổ chức biểu diễn. Hiện chỉ còn 3 thành viên ngoài dòng họ Ma Quang nhưng họ chỉ tham dự với vai trò hát then, biểu diễn đàn tính và thổi sáo. Trong nhà anh, 33 con rối cổ được cất kỹ trong hòm và hầu như không được mở ra xem chứ chưa nói đến mang đi biểu diễn.

Thực tế cho thấy nghệ thuật múa rối Tày ở Thẩm Rộc đang đứng trước nguy cơ lụi tàn. Món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những người dân thuần phác ở vùng thôn quê miền núi này cần có sự quan tâm của các cơ quan chức năng và những người tâm huyết với một văn hóa dân tộc.

Điều đáng lo là chỉ có anh Ma Quang Chóng biết làm con rối, muốn tìm người để truyền nghề mà không có. Trong khi đó, các nghệ nhân tâm huyết và giỏi nay đã có tuổi, còn lớp trẻ không có điều kiện hoặc không tâm huyết với nghệ thuật rối.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem