Rủ nhau đi nhủi đồng xa

Tiên Sa Thứ sáu, ngày 14/08/2015 09:00 AM (GMT+7)
“Siêng đi tát, nhác đi câu, muốn cho đầy bầu chạy “dề, dác” nhủi” - đó là câu truyền tụng bao đời của người dân Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng).
Bình luận 0

Trong các dụng cụ đánh bắt cá như cái lờ, cái đó, tay lưới, cần câu… thì cái nhủi rất là độc đáo, ngoài chức năng bắt cá, nó còn mang ít nhiều dáng dấp nghệ thuật, mà tổ tiên đã dày công chế tác.

Nhân chuyến đi về Hoà Quý (Ngũ Hành Sơn), tình cờ tôi trông thấy cái nhủi nằm trên chái bếp của nhà cụ Lê Văn Hiệp (72 tuổi) với màu cánh gián phủ đầy bụi. Vừa chao, rửa cái nhủi đầy bụi và bồ hóng dưới ao, cụ Hiệp vừa giải thích cho chúng tôi về dụng cụ bắt cá độc đáo này.

img

Nhủi là một loại dụng cụ đánh bắt cá quen thuộc đã được cha ông dày công chế tác. (Ảnh: T.S)

Nhủi là một dụng cụ bắt cá có hai cái cán bằng ngọn tre chéo nhau hình chữ X, giữa hai ngọn tre là một tấm “sáo” bện bằng những cọng tre vót nhỏ, đầu dưới là một miếng gỗ có lưỡi mỏng. Khi nắm hai cán nhủi đẩy, một lượng nước sẽ vào nhủi và thoát ra phía sau qua những cọng tre, chỉ còn lại cá hoặc những gì có trong nước…

Có hai loại nhủi- nhủi tay và nhủi đụt. Nhủi tay ngắn, có chiều dài từ đầu cán đến lưỡi khoảng 1,6m. Còn nhủi đụt thì dài khoảng 2,6m và lớn hơn, dưới lưỡi nhủi có gắn thêm một cái phao bằng 2 hoặc 3 ống tre (kín mắt) nhằm mục đích không cho nhủi chìm. Lưỡi của nhủi phải làm bằng gỗ nhẹ và dai như thầu đâu (sầu đông), hoặc gỗ ngo. Còn rẻ nhủi phải chọn loại tre mỡ, mỗi cây chỉ lấy được vài lóng đoạn giữa, chọn đoạn mắt nhỏ. Tuỳ theo tép lớn nhỏ mà vót từ 2-5 rẻ. Ngoài ra tìm 2 cái ngọn tre chắc và đặt dài khoảng 1,6m để làm cán nhủi. Sau khi làm lưỡi, vót rẻ nhủi, cưa cán xong, muốn được lâu bền thì ngâm dưới bùn khoảng dưới 1 tháng, mới mang lên ráp, bện rẻ vào nhủi bằng dây cước 0,5mm. Dưới thân nhủi, người ta định vị các vòng bằng mây hoặc tre vót tròn và bện các rẻ nhủi vào hai “ngọn tre”, đuôi của các rẻ nhủi là một tấm vỉ đan bằng tre để ngăn cá ở lại khi đẩy nhủi…”.

“Đi nhủi muốn mau đầy giỏ thì phải đi cho đông người - nhiều nhủi - dàn hàng ngang mà đẩy. Cá bị động, nhảy tứ tán. Nhiều khi cá từ nhủi này, nhảy qua nhủi khác (nhất là cá tràu), may nhờ rủi chịu, kể cũng vui”- cụ Hiệp nhớ lại.               

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem