Thú đi câu thụt, đặt lờ vơ cá bống

Bài, ảnh: Phúc Lộc Thứ tư, ngày 20/05/2015 06:29 AM (GMT+7)
Quê tôi ở miệt vườn sông nước. Ngoài con sông lớn (sông cái) ra còn có nhiều con sông nhỏ, nhiều rạch, xẻo chằng chịt ăn thông với các ao, mương khiến cho cá tôm quanh năm lúc nào cũng có. Một trong những thú bắt cá hấp dẫn nhất đối với tuổi học trò của chúng tôi là câu thụt cá bống.
Bình luận 0

Cá bống có nhiều loại: bống tượng, bống cát, bống dừa, bống trứng… trong đó bống dừa là đối tượng để cho lũ trẻ săn bắt suốt trong những ngày hè oi bức. Bống dừa có thân tròn và dài, màu xám tro hoặc đen bóng, con to nhất cũng khoảng bằng cẳng cái, lớn gấp ba bốn lần cá bống trứng. Loài cá này thích sống gần bờ, đặc biệt là những nơi có nhiều rễ bần và bụp dừa nước. Chúng thường đi kiếm ăn vào con nước lớn, nhất là mùa sa mưa nên nhiều người dùng lọp đặt dọc theo các kinh mương để đánh bắt. Có thể nói, dọc theo các tuyến sông rạch, nơi có nhiều cỏ rác, lục bình, cá bống dừa xuất hiện nhiều nhất.

img
Lọp đặt cá bồng dừa.
img
Đặt lọp cá bống dừa dọc theo những rặng bần.

Thuở nhỏ, sau khi bài vở xong xuôi, chúng tôi vài ba đứa, mình trần, tay không rủ nhau đi câu hoặc đi thụt cá bống. Nhưng đa số đều khoái thụt hơn là câu. Bây giờ nhớ lại cái cảm giác thụt cá bẹ dừa nó đã, nó sướng làm sao ấy! Thọc tay vô, mò kiếm cá rồi dùng 5 ngón tay kẹp chặt thân cá lại, giơ lên cao giữa tiếng hoan hô của bạn bè.

Chúng tôi không thụt hang dưới đất mà lại thụt hang trên bẹ dừa nước mới lạ. Trước hết chúng tôi tìm những con rạch có nhiều bụi dừa nước để phát hiện chỗ ẩn trú của chúng. Loài cá nầy thích sống ở những chỗ nước trong, yên tịnh. Thường mỗi bụi dừa nước sát mé sông bao giờ cũng có nhiều bẹ mọc thẳng đứng, giữa hai bẹ dừa là một khe hở to bằng miệng chén luôn chứa đầy nước. Chính đó là môi trường thiên nhiên lý tưởng để cho cá bống ẩn trú chờ nước lớn đi kiếm ăn.

Chúng tôi chỉ cần lách mình, thọc tay vào chỗ khe hở, dùng vài động tác nhà nghề là tóm được chú cá một cách dễ dàng. Cứ thế, mạnh đứa nào nấy thụt, không bao lâu đứa nào cũng được một xâu cá đem về khoe với mẹ. Chỉ có thế thôi mà trong ký ức tôi lúc nào cũng in đậm hình ảnh những thằng bạn cùng lớp, mình dính đầy bùn đất cầm xâu cá bống, vừa đi vừa huýt gió một cách hồn nhiên vô tư lự. Ngày nay mỗi lần ăn cá bống kho tiêu tôi lại nhớ mãi, nhớ hoài cái thời “thần tiên” đi thụt cá đó, vui ôi là vui.
img
Cá bống dừa vừa đổ lọp.
Ngày nay, cá bống dừa không còn nhiều, dừa nước cũng bị triệt hạ gần hết chỉ còn ờ Cù Lao Dung, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang, nên trẻ con muốn thụt cá bống cũng không còn cơ hội. Hiện nay, muốn khai thác cá bống dừa, đa số bà con đều dùng lọp. Đặt lọp cá bống cũng là một cách đánh bắt truyền thống rất thú vị. Muốn cá chạy nhiều người ta dùng mồi dừa khô và còng đập giập cho vào lọp để nhử cá. Mồi càng ngon cá vô lọp càng nhiều.
img
Cá bống dừa kho ơ.
Cá bống dừa hấp dẫn nhất là kho ơ hoặc kho tộ. Cái hơn thua của bống dừa so với các loài cá khác là ở chỗ chắc thịt, mùi vị thơm ngon, ít xương, đặc biệt là cặp trứng và gan cá vô cùng béo bổ. Từ xa xưa, trong dân gian đã có câu hát ru vô cùng lý thú “…Bậu ra bậu lấy ông câu. Bậu câu cá bống ngắt đầu kho tiêu. Kho tiêu bỏ mỡ bỏ hành. Bỏ ba lượng thịt để dành cho em ăn …”.
         
Bài hát này không những giới thiệu món ngon “cá bống” mà còn hướng dẫn chúng ta cách làm, cách kho. Đã kho thì phải kho cho đúng cách và đúng điệu, tốt nhất là kho bằng ơ hoặc tộ. Cá sau khi ngắt đầu, làm ruột (chừa lại cặp trứng và gan cá), rửa sạch, ướp gia vị, chúng ta mới bắt đầu kho. Nhớ khi cá vừa chín mới cho tiêu vào để tăng thêm chất cay nồng, kích thích vị giác, kế đến là mỡ, hành và vài miếng thịt ba rọi cho mùi vị thăng hoa, cho hương thơm đậm đà.
         
Ai đã từng thưởng thức món bống sao kho sả ớt hoặc bống dừa kho tộ chắc chắn sẽ không bao giờ quên được thứ hương vị đặc trưng của một loài cá dung dị nhưng đã đi vào văn hóa ẩm thực từ lâu đời.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem