Rủi ro chờ đợi “vua thép” Trần Đình Long từ bài toán tiêu thụ HRC

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 30/12/2019 06:30 AM (GMT+7)
Sản lượng tiêu thụ thép HRC nội địa vào năm 2021 dự báo chỉ khoảng 5,28 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với công suất của Hòa Phát và Formosa cộng lại. Vậy nên, “vua thép” Trần Đình Long sẽ phải trông đợi hoạt động xuất khẩu diễn ra thuận lợi.
Bình luận 0

img

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát.

Năm 2019 sắp khép lại, với việc Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát đã sản xuất và cung cấp cho thị trường gần 2,5 triệu tấn thép xây dựng, 688.300 tấn ống thép sau 11 tháng của năm. Ước tính, doanh thu năm 2019 tại doanh nghiệp của "vua thép" Trần Đình Long sẽ đạt 62.627 tỷ đồng. Còn lợi nhuận ròng của Hoà Phát sẽ giảm gần 10%, chỉ còn khoảng 7.770 tỷ đồng.

Nhìn sang năm 2020, bên cạnh mục tiêu “Nam tiến” của ông Trần Đình Long, mọi sự chú ý có lẽ sẽ tập trung vào Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất, bởi đơn giản dự án sẽ tái định hình chân dung của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát trong những năm tới.

img

Sản lượng và thị phần tiêu thụ thép Hoà Phát sau 11 tháng của năm 2019.

Sau gần 3 năm triển khai xây dựng, hiện dự án Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất đã gần như hoàn thiện giai đoạn 1. Đối với giai đoạn 2, trên 80% hạng mục thiết bị chính đã hoàn thành, dự kiến đưa vào hoạt động 2 lò cao còn lại và dây chuyền đúc cán thép dẹt (HRC) vào hoạt động trong quý II/2020. Cụ thể, đối với 2 lò BOF đầu tiên của giai đoạn 1, Hoà Phát đã hoàn thành 99% hạng mục chế biến nguyên liệu thô và 100% hạng mục luyện thép. Đồng thời, tỷ lệ hoàn thành ở giai đoạn 2 lần lượt là 95% và 85% cho quá trình chế biến nguyên liệu thô và luyện thép. Các nhà máy cán của giai đoạn đầu đã hoàn thành, và các nhà máy ở giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2020.

Theo đó, công suất cán thép cho giai đoạn 1 của Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất là 2,33 triệu tấn thép dài/năm. Đối với giai đoạn 2, công suất cán thép có thể đạt 2,4 - 3 triệu tấn HRC/năm.

Từ những cơ sở vừa nêu, ban lãnh đạo Hoà Phát ước tính sản lượng tiêu thụ thép xây dựng có thể đạt 3,5-3,6 triệu tấn trong năm 2020. Đồng thời, Hoà Phát sẽ mở rộng bán hàng ở khu vực miền Trung, miền Nam, và khai thác các thị trường xuất khẩu mới như Canada, Mexico. Kết quả, Hoà Phát sẽ thu về 73.6000 nghìn tỷ đồng và ghi nhận mức lợi nhuận ròng 9.700 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 25% so với năm 2019.

Song để đạt được mục tiêu nêu trên, điều kiện thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu thụ thép HRC vẫn sẽ là hai yếu tố chính mà ông Trần Đình Long và các cộng sự của mình cần quan tâm.

Nếu nhìn vào cơ cấu kênh bán hàng, khoảng 40% sản lượng thép xây dựng của Hoà Phát đang được cung cấp cho các dự án lớn, yêu cầu thép có chất lượng cao. Do đó, các dự án này thường ưu tiên sử dụng thép sản xuất từ lò BOF. Còn kênh dân dụng sẽ đảm nhận tiêu thụ 60% sản lượng thép xây dựng còn lại.

Trong bối cảnh đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra dự báo về sự chững lại của thị trường bất động sản, cùng nhu cầu thép xây dựng cho ngành bất động sản dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2020. Tuy nhiên, cũng theo VDSC, Hòa Phát sở hữu lợi thế đáng kể để bán hàng tại các dự án qui mô lớn vì chất lượng thép tốt và ổn định hơn. Do đó, doanh nghiệp sẽ không bị phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu thép từ thị trường bất động sản.

img

Gang lỏng từ lò cao Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất.

Còn đối với nhu cầu tiêu thụ thép thép HRC, Ban lãnh đạo Hòa Phát khá lạc quan vì trong năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 12 triệu tấn HRC. Trong khi sản lượng bán hàng của Formosa ở thị trường nội địa là hơn 3 triệu tấn. 

Theo đó, nếu đặt giả định Formosa sản xuất và bán ra thị trường với công suất tối đa là 5,2 triệu tấn thép HRC, thị trường vẫn sẽ còn nhu cầu khoảng 7 triệu tấn cho Hòa Phát, vốn chỉ có công suất HRC từ 2,4-3 triệu tấn.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong 11 tháng của năm 2019, tổng nhu cầu HRC của các nhà sản xuất hạ nguồn chỉ đạt 5,6 triệu tấn, trong đó lượng xuất khẩu là 1,6 triệu tấn. VDSC cho rằng, nhu cầu HRC trong nước không thực sự lớn và cả hai nhà sản xuất Hòa Phát và Formosa sẽ phải trông đợi hoạt động xuất khẩu diễn ra thuận lợi để có thể tiêu thụ hết sản lượng của mình.

Đối với Hoà Phát, mảng thép HRC sẽ được hỗ trợ đáng kể bởi nhu cầu nội bộ khi doanh nghiệpcó ba nhà máy ống thép và một nhà máy tôn mạ. Những nhà máy này có thể sử dụng khoảng 1,15 triệu tấn thép HRC mỗi năm nếu hoạt động với hiệu suất 100%.

Ở chiều ngược lại, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, Hòa Phát và Formosa có thể đáp ứng 8,2 triệu tấn thép HRC trên tổng số 12-14 triệu tấn thép HRC mà thị trường trong nước yêu cầu.

Như vậy, thời gian tới, sẽ chưa thể có thuế tự vệ nhằm bảo vệ các nhả sản xuất thép HRC trong nước khi sản lượng sản xuất nội địa chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Hoà Phát vẫn tin rằng chi phí sản xuất của doanh nghiệp có thể cạnh tranh được với các nhà máy có quy mô tầm trung ở Trung Quốc, thậm chí cả khi không có bất kỳ mức thuế tự vệ nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem