Rừng cọ quê tôi!

Thanh Nga Thứ hai, ngày 11/05/2015 09:00 AM (GMT+7)
Mỗi người xa quê, khi nhớ về kí ức tuổi thơ nơi cố hương thường gắn với hình ảnh nào đó thân quen mà xa ngái. Với tôi, đơn giản chỉ là “rừng cọ đồi chè” đã đi vào thi ca, tha thiết trong câu hát và âm thầm xòe bóng mát trong tâm hồn tôi cho mãi tới hôm nay.
Bình luận 0
Tuổi thơ tôi là những tháng ngày đùa nghịch và vui chơi dưới những tán cọ như mặt trời xanh. Tụi trẻ chăn trâu chúng tôi cứ mải mê để trâu đi ăn lúa, đến khi người ta gọi tới mới giật mình và lo sợ, đứa nào đứa ấy mặt xanh mét, rón rén về nhà bởi sợ những trận đòn roi của bố mẹ. Nhưng không vì thế mà chúng tôi bỏ qua những thú chơi chuyền, chơi bi, nhảy dây dưới tán cọ xanh mát ấy.
img
Rừng cọ quê tôi (ảnh: Thanh Nga)

Quê tôi trồng nhiều cọ lắm, những rừng cọ bạt ngàn, lá cọ già được dùng để lợp nhà, thân cọ già được đốn để làm gỗ, những búp cọ bánh tẻ lại được dùng để làm lá nón. Ngày xưa hầu hết người dân quê tôi đều lấy lá cọ để lợp nhà. Nhiều căn nhà ở trong làng, đã bao mùa mưa nắng đi qua, lá cọ đã mòn đi nhiều nhưng vẫn che mưa che nắng rất tốt, đặc biệt rất mát về mùa hè. Theo kinh nghiệm của người dân quê tôi, nếu chọn được lá cọ tốt (lá bánh tẻ, đủ độ già) thì đến hơn chục năm người ta mới phải lợp lại nhà.

Cây cọ như hợp đất vùng trung du quê tôi, cứ miệt mài bám rễ vào đất mà xanh um bên sườn đồi thoai thoải dốc. Cọ lặng lẽ tỏa bóng bên những nếp nhà mái lá, cọ phủ màu thời gian chuyển thành nâu trầm, mộc mạc như người dân quê tôi. Xa xa giữa những đồi cọ có đàn bò nhởn nha gặp cỏ yên bình, thi thoảng lại dụi dụi mình vào thân cọ để nhờ gãi ngứa. Dưới bóng râm mát ấy có chú trâu nằm ngủ lim rim mắt mơ màng giữa hàng trăm, hàng nghìn “lính” cọ canh gác. Những đứa trẻ trâu nhờ bóng mát của cọ để chơi trò bắn trận giả om sòm, các cô thiếu nữ lại chăm chỉ mang theo những khuôn nón lá tranh thủ khâu nón. Một bức tranh làng quê nghèo bình yên được chấm phá bằng những tán cọ.

Quả cọ vốn dĩ cũng là một đặc sản nhưng không phải ai cũng biết cách thưởng thức. Có những cây cọ “nếp”  khi mùa đến, quả đã vào già, được bà con chặt buồng xuống, nhặt quả, một phần mang về om nước nóng già để uống, còn lại mang chợ bán hoặc muối dưa, ăn chát chát nhưng ngậy ngậy.

Nhớ mỗi khi mùa hè đến, đây là thời điểm chúng tôi thích nhất bởi ngoài việc đi chăn trâu còn được chạy nhảy thỏa thích và tha hồ hà hít sự mát lành của tự nhiên, ngay dưới những tán xòe của cọ. Những cơn gió nhẹ thổi tới, lá bắt đầu xào xạc, những con chim cu gáy đang làm tổ trên những bẹ cọ giật mình vỗ cánh bay. Bố tôi bảo loài chim này khôn lắm, nó chọn cọ để làm tổ bởi chỉ có như thế chúng sẽ được an toàn, sẽ ít khi bị con người săn bắt.

Ngày đó, hầu như ở làng tôi nhà nào cũng có đồi cọ. Vì trồng cọ để phát triển kinh tế ở quê tôi. Cọ được bán đi khắp các vùng. Thường thì những đồi cọ ấy đã mấy chục năm tuổi. Thậm chí có đồi cọ lâu đời đến cả trăm năm chứ không ít. Nhìn những thân cây xù xì, rêu phủ xanh rì và có rất nhiều dương xỉ bám trên thân là biết ngay điều đó. Những lá non, những búp nhỏ đang còn e ấp sẽ lại tiếp phát triển, đón chờ sự trưởng thành.

Bây giờ quê tôi vẫn còn giữ những rừng cọ xanh mướt, nhưng không còn bạt ngàn mênh mông như ngày tôi còn nhỏ. Vì có nhà đã phá cọ đi để trồng hoa màu. Khi kinh tế phát triển hơn, nhu cầu đời sống người dân quê tôi ngày càng được cải thiện, nhiều nhà tầng, nhà mái bằng, nhà lợp ngói... đang thay dần những mái lá. Người ta hiếm khi dùng lá cọ để lợp nhà, cọ bắt đầu ít có hiệu quả kinh tế nên bà con phải phá bỏ đi nhiều.

Mỗi khi nghĩ đến cọ, chợt thấy xót xa vì đó là kí ức, là kỷ niệm đẹp về tuổi thơ quê và là điều không tránh khỏi. Giờ đây cọ chỉ còn lại ở những cánh rừng xa xa. Nơi đất cằn cỗi mà không thể trồng thay cây gì khác thì cọ lại vẫn trường tồn và dẻo dai bám đất, vẫn xanh mướt một màu xanh thời gian.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem