Trong các lễ hội, tết, cưới hỏi, rượu Mông Kê luôn có sẵn trên mỗi gian thờ, bày biện trên từng bàn tiệc, quen thuộc đến nỗi, người Mông mà không thấy nó tức là không có niềm vui trọn vẹn.
Cốt rượu là ngô nếp nương, men được ủ bằng lá và hạt kê thuốc (thứ kê có lá thon dài như lá lúa, nhưng cao hơn, bản lá dày, thường trồng từ tháng 3 và thu hoạch vào tháng 9). Ngô và kê dùng để làm rượu phải được trồng trên vùng núi cao giữa bốn bề sỏi đá.
Có một nguyên tắc từ ngàn xưa, đó là chỉ người trong bản mới được biết bí quyết chưng cất rượu, không được phép truyền ra ngoài. Bởi theo quan niệm thì rượu này là sản phẩm của sự kết tinh từ hương trời đất thần linh ban riêng cho người Mông.
Người già ở bản Sùng Chô bảo rằng muốn nấu được rượu Mông Kê ngon không dễ. Nguồn nước phải từ con suối có nguồn trong rừng sâu chảy ra, người nấu phải biết khi nào thì ngô đã chín tới, không được phép quá lửa dù chỉ là vài phút.
Men kê phải ủ đúng độ. Rắc men khi ngô vẫn còn hơi nóng rượu dễ bị chua. Công thức chưng cất rượu không tiết lộ nhưng đã là Mông Kê chính hiệu thì phải là “nấu nhiều mà được ít”, rượu để càng lâu càng ngả màu vàng, mở nút chai đã thấy hơi thơm lừng. Uống rượu Mông Kê có tác dụng kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, bồi bổ xương khớp và lưu thông khí huyết.
Chẳng thế mà với người sành rượu dễ nhận thấy, nếu đúng là rượu Mông Kê thì khi giọt rượu đầu tiên tan dần, họ đã có cảm giác nóng bừng, rồi vị ngọt đằm đó tỏa lan khắp cơ thể, rất thích hợp khi uống trong cái lạnh của núi rừng, thực khách uống một lần thì nhớ mãi không quên...
Hiện những người lớn tuổi ở Nậm Loỏng vẫn không quản ngại khó khăn, gian khó băng rừng cắt đoác để giữ nghề làm rượu Mông Kê.
Vinh Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.