Huyện Trạm Tấu (Yên Bái), “thánh địa” cây thuốc phiện một thời, nay vẫn còn đây đó những cây anh túc được trồng lén lút để phục vụ mục đích ngâm “thần chết” vào rượu. Đây chính là đầu mối lớn và có lẽ là duy nhất cung cấp loại rượu chết người này cho người dân các địa phương.
|
Rượu ngâm cây thuốc phiện |
Mua bán lén lút
Tại một quán tạp hóa nằm dọc theo trục đường chính vào trung tâm huyện, sau khi lân la trò chuyện và giả như đang rất cần mua loại rượu này qua một người quen giới thiệu, chúng tôi được chủ quán tên Dần mách nước: “Rượu thì bọn mày phải lên Mù Cang Chải mới có rượu ngon và đặc sản của Yên Bái”.
Tin chúng tôi có người quen “bảo lãnh” để mua “hàng độc”, chủ quán có khuôn mặt dữ dằn dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà gần đó. Trong căn nhà lờ mờ ánh sáng, ông Dần mở ngăn tủ, lấy ra ba bình nhựa cỡ 5 lít và bảo rằng đó là rượu ngâm thân, rễ, quả của cây thuốc phiện.
“Vấn đề là các chú lấy bao nhiêu? Số lượng thân, rễ, quả trong bình như thế nào? Nếu càng nhiều quả thì càng đắt. Chưa phải mùa chính, nên “hàng” hơi khan hiếm đấy. Năm nay bình rẻ nhất cũng trên 1,2 triệu”.
Chúng tôi tỏ vẻ không hiểu biết thì ông Dần nói luôn: “10 bình thì hơi căng đấy, giờ tao chỉ còn ba bình loại đó thôi, để tao đi hỏi thêm mấy mối đã. Nhưng nếu các chú chờ một tuần nữa thì chắc chắn sẽ có đủ theo yêu cầu. Giá mỗi bình kiểu này hai triệu, miễn mặc cả”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng hai năm trở lại đây, loại rượu ngâm thuốc phiện này được bán lén lút ở Trạm Tấu. Ở đây, người ta thường gọi là rượu 138. Sở dĩ nó có tên như vậy là vì tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải thực hiện kế hoạch 138 về kiểm tra, rà soát, xử phạt người trồng cây thuốc phiện.
Loại rượu này phần lớn do dân bản của Trạm Tấu và Mù Cang Chải cung cấp, tập trung nhiều nhất ở xã Túc Đán, Bản Công, Tà Si Láng, Bản Mù của Trạm Tấu, và vùng giáp ranh huyện Phù Yên và Bắc Yên của tỉnh Sơn La.
Rước bệnh vào người
Theo anh Sa Huy Hoàng, thành viên Ban triệt phá tái trồng cây thuốc phiện tỉnh Yến Bái, mùa cây anh túc thường kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, và loài cây này thường được trồng ở xã Tà Si Láng (huyện Trạm Tấu) vì nơi đây xa, nhiều núi, vực hiểm trở, đi lại khó khăn. Sau khi cây thuốc phiện bị phá nhổ, một số người dân thu gom rễ đem phơi khô hoặc ngâm rượu bán ra thị trường.
Một đồn mười, mười đồn trăm về sự đại bổ, tác dụng chữa bệnh của rễ cây thuốc phiện khiến rượu ngâm thuốc phiện ngày càng đắt. Đắt cũng vì hiếm. UBND tỉnh Yên Bái mới có văn bản nghiêm cấm mua bán, tàng trữ và sử dụng các sản phẩm từ rễ cây thuốc phiện.
Gần đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái tiếp nhận nhiều người ở huyện Trạm Tấu bị ngộ độc do sử dụng rượu ngâm thuốc phiện. Họ đều cho kết quả dương tính với ma túy.
Bác sĩ Đặng Thị Như Hoa, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Yên Bái, cho biết: “Trong cây thuốc phiện có chứa moocphin và heroin nên khả năng gây nghiện rất cao. Sử dụng loại rượu này nhiều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh và sức khỏe. Bên cạnh đó, thuốc phiện có thể gây ra táo bón, nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc dẫn đến chết người”.
Bác sĩ Bùi Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Yên Bái, nói: "Uống rượu ngâm thuốc phiện là một thói quen của người vùng cao. Công dụng của loại rượu này chỉ là đồn thổi, đến nay chưa có một tài liệu nào nói về tác dụng làm thuốc của rễ cây thuốc phiện”.
Tuy nhiên, vì thân và rễ chứa ít chất ma túy nên không có qui định xử lí những hành vi liên quan đến rễ cây thuốc phiện. Ông Hà Chí Họp, Bí thư huyện ủy Trạm Tấu, cho rằng, công tác chống tái trồng cây thuốc phiện sẽ rất khó khăn nếu tình trạng tàng trữ, tiêu thụ các sản phẩm từ thân, rễ, quả cây thuốc phiện bị nhổ bỏ vẫn diễn ra.
Theo Đất Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.