Toạ lạc trên đường Tôn Đức Thắng, ấp Trung 1, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nghề rèn Phú Mỹ xưa đã nổi danh khắp miền Tây chỉ từ vật dụng đơn giản như con dao, cái cuốc... Bởi đối với người dân sống ở nông thôn, dao, cuốc, phản… là những vật dụng trong nhà không thể thiếu, đặc biệt nó lại có nguồn gốc từ Phú Mỹ thì luôn là đứng đầu về độ sắc bén, không đâu sánh bằng.
Chất lượng của sản phẩm đã làm nên thương hiệu nghề rèn Phú Mỹ (ảnh: Hoàng Lê)
Người bình dân Nam Bộ thích thú khi cầm trên tay chiếc lưỡi hái Phú Mỹ sắc ngọt để đi ra đồng cắt lúa trong vụ mùa. Hết vụ, chiếc lưỡi hái ấy lại theo người dân quê ra đồng cắt cỏ để phục vụ chăn nuôi. Khi nông nhần không dùng đến, những nông cụ thô sơ ấy được giữ gìn cẩn thận, nhiều nhà còn gác lên tận mái trái vì sợ han...
Thế rồi, khi ngành nông nghiệp được cơ khí hoá, nhiều máy móc hiện đại ra đời thì người ta đã quên dần đi chiếc lưỡi hái suốt một thời là vật thân quen của nông dân, để thay thế bằng chiếc máy gặt liên hợp hiện đại. Xu thế phát triển đó trong sản xuất nông nghiệp đã phần nào ảnh hưởng đến sự tồn vong của nghề rèn thủ công nói chung, nghề rèn Phú Mỹ nói riêng.
Mặc dù vậy, khi bước chân đến làng nghề Phú Mỹ, chúng tôi thấy nhiều hộ gia đình vẫn miệt mài, hăng say bên những xưởng sản xuất và những gian bày bán sản phẩm hàng hóa nông cụ. Phú Mỹ vẫn còn đó những người thợ lưng trần, dù nhễ nhại mồ hôi nhưng miệt mài, hì hục nện từng tấm thép trên lò nung đỏ rực.
Nhiều năm qua, làng nghề rèn vẫn đứng vững trước sự cạnh tranh cùng đổi thay của thị trường (ảnh: Hoàng Lê)
Ông Phạm Minh Chánh (60 tuổi), một thợ rèn có tuổi nghề hơn 30 năm ở làng này cho biết: Hiện tại giá nguyên liệu có tăng nhưng sản phẩm làm ra vẫn giữ nguyên giá thành, chất lượng mặt hàng thì vẫn vậy, không hề thay đổi. “Thời gian qua thương lái đến đây đặt hàng rất đông, sản phẩm của làng nghề không chỉ cung cấp cho các tỉnh miền Tây mà còn lan rộng ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Làm nghề này cần giữ uy tín, bảo đảm chất lượng thì nghề sẽ không phụ người mà” – ông Chánh nói.
Cũng theo lời ông Chánh, làm nghề rèn không được dễ dãi, thậm chỉ phải nghiêm khắc với chính bản thân mình, vừa phải có sức khỏe, vừa kiên trì mới mong tạo ta được sản phẩm sắc bén và có độ bền cao.
Các vị cao niên của làng nghề này cũng cho biết, nghề rèn đã tồn tại ở làng gần một trăm năm nay, đã cùng người dân trải qua bao thăng trầm của cuộc sống. Vì thế mà dân làng Phú Mỹ nhất định phải bám nghề, tiếp nối nghiệp cha ông. Hiện tại, nghề rèn vẫn là một nghề chủ đạo đối với người dân Phú Mỹ, tạo việc làm ổn định cho gần trăm lao động với thu nhập bình quân 100.000 đồng/ người/ ngày. Thu nhập ấy dù không cao nhưng phần nào cũng giúp được họ trang trải chi phí, cùng nhau phát triển làng nghề.
Để duy trì và phát triển làng nghề, người dân Phú Mỹ đã đổi mới tư duy, vận động bà con cùng với chính quyền địa phương để thành lập hợp tác xã sản xuất và dịch vụ, ổn định khâu vào – ra để các thợ rèn có thể yên tâm sáng tạo sản phẩm. Vì thế, trong thời cạnh tranh khốc liệt của thị trường với vô vàn chủng loại, mẫu mã, nhưng hàng nông cụ xuất bán của làng nghề rèn Phú Mỹ vẫn ổn định, kiểu dáng các mặt hàng ngày càng phong phú, đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.