Săn chuột cống - nghề "độc" nhưng bỏ túi gần nửa cây vàng mỗi tháng
Săn chuột cống - nghề "độc" nhưng bỏ túi gần nửa cây vàng mỗi tháng
Nhật Minh
Thứ sáu, ngày 08/04/2022 07:16 AM (GMT+7)
Gần 2h sáng, hai bác cháu lên xe máy rời trung tâm Hà Nội cùng khoảng 30 kg chuột cống được đựng trong hai chiếc lồng sắt chằng phía sau. Với giá chuột hơi là 60 nghìn đồng/1 kg, hôm nay thu nhập của hai bác cháu ông Thú khoảng 1,8 triệu đồng.
Nghề hôi hám nhưng đổi lại trong túi "rủng rỉnh" tiền tiêu
Gần 2h sáng, hai bác cháu ông Thú bắt đầu thu gom đồ đạc chuẩn bị ra về, họ dồn nốt lũ chuột cống trong cái lồng nhỏ vào lồng lớn lần cuối rồi khóa cửa lồng lại. Lũ chuột bị nhốt chặt như nêm trong hai chiếc lồng sắt sợ sệt nằm im thin thít.
Tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi sau một đêm dài làm việc cật lực, ông Thú cầm chiếc điếu cày treo ở yếm xe rồi ngồi bệt xuống vỉa hè châm lửa hút. Sau cú rít mạnh, ông Thú ngửa cổ lên trời nhả khói, khói thuốc lào tỏa ra hòa quyện với ánh đèn đường tạo ra một khung cảnh khá thi vị.
"Theo ước lượng của tôi, nếu hai chiếc lồng sắt đựng đầy chuột cống sẽ rơi vào khoảng trên dưới 30 kg. Với giá chuột hơi là 60 nghìn đồng/1 kg thì hôm nay thu nhập của hai bác cháu tôi được khoảng 1,8 triệu đồng", ông Thú mỉm cười cho biết.
Ông Thú kể thêm, nếu như sức khoẻ bình thường không ốm đau bệnh tật thì hai bác cháu đi bắt chuột liên tục không nghỉ buổi nào, bất chấp mọi thời tiết. Họ chỉ nghỉ ở nhà khi gia đình có việc lớn hay ngày lễ, Tết. Nếu đem ra tính công thì có tháng làm việc liên tục 30/30 không nghỉ ngày nào.
"Tôi phải thừa nhận nghề này luôn trong cảnh rách rưới, hôi hám vì suốt ngày lùng sục ở những nơi mà mọi người thường không bao giờ bén mảng đến. Nhà rác, cống rãnh, mùi hôi thối, nhất là cái mùi chuột cống kinh khủng lắm. Nhiều người tò mò xem hai bác cháu bắt chuột, lúc mà tôi tóm con chuột lên có người ói luôn tại chỗ rồi bỏ chạy. Cũng may là công việc chỉ diễn ra vào ban đêm nên cũng ít người để ý đến nó", ông Thú nói.
Làm nhiều thành quen, ngửi nhiều cũng quen, hai bác cháu ông Thú khi bắt chuột cống chẳng cần găng tay, hay bất cứ đồ bảo hộ nào cả. Nhiều người cũng kỳ thị vì thấy bẩn và hôi hám, nhưng nhiều người thì ủng hộ công việc này.
"Có lần hai bác cháu tôi bắt chuột ở một nhà rác của khu tái định cư, lúc ra xe, đứa cháu cầm vợt khua khoắng thế nào không may chạm phải một người phụ nữ trẻ tuổi. Cô ấy hét ầm lên một tiếng rồi lấy tay phủi phủi lưng áo, tay thì bịt mũi, miệng thì lẩm bẩm gì đó tôi không nghe rõ nhưng chắc họ mắng chửi mình. Thấy vậy tôi cũng xin lỗi rồi vội đi luôn.
Nhiều người vui tính lắm, thấy mình họ mời uống nước, hỏi han đủ kiểu rồi còn chỉ cho mình chỗ nào nhiều chuột để bắt. Nhiều người bán đồ ăn đêm thi thoảng còn mời bát bún, chiếc bánh mì mà không lấy tiền. Lòng tốt của họ vậy nhưng mình đâu dám nhận vì ai quần áo tả tơi, bốc mùi hôi hám lại vào quán ngồi ăn", ông Thú tâm sự.
Không ít lần ông Thú phải đổ máu vì đi vào cống rãnh, chợ búa, nơi đổ phế thải, rác thải vô tình dẫm phải đinh, hay vật sắc nhọn làm chảy máu chân tay. Mặc dù ông đã đi giày, quần áo hai ba lớp nhưng không tránh khỏi. Khổ nhất là bị chuột cắn, cẩn thận lắm nhưng vẫn có những lần sơ suất, gọi là tai nạn nghề nghiệp không tránh khỏi.
Nhiều chủ quán coi hai bác cháu là vị "cứu tinh"
Nhiều người dân ở những khu tái định cư, chủ các nhà hàng, quán ăn, thậm chí cả những trung tâm y tế ở Hà Nội chỉ cần nhìn thấy hai bác cháu nhà ông Thú là họ mừng "rơi nước mắt".
Cánh bảo vệ làm ca đêm ở các khu chung cư, khu tái định cư biết rõ nhất về hai bác cháu ông Thú. "Nhiều người còn ra tận nơi gọi vào uống nước rồi nhờ hai bác cháu tôi bắt chuột cho họ. Có những nhà hàng nổi tiếng ở Hà Nội còn bỏ tiền ra thuê tôi bắt chuột định kỳ nữa. Bắt chuột cống là nghề, là công việc của tôi, giúp tôi kiếm được tiền từ việc đó, không những thế còn góp phần vào việc diệt trừ chuột trong thành phố", ông Thú cười.
"Theo định kỳ cứ khoảng 2 tuần thì hai người họ lại quay lại khu này để bắt chuột, ban đầu tôi thấy cũng kỳ lạ, không biết hai người họ đi bắt lũ chuột cống hôi hám bẩn thỉu đó làm gì. Làm mồi nhậu chắc không phải, đem bán cho các chủ quán làm đồ nhậu thì cũng khó vì ai lại đi ăn loại chuột này. Quanh đây mỗi tòa chung cư đều có nhà chứa rác thải, mỗi lần nhìn thấy họ đến tôi đều sẵn sàng mở cửa để họ bắt chuột cống.
Không rõ họ bắt để làm gì nhưng chỉ cần bắt đi lũ chuột cống cho chúng đỡ phá phách là mừng rồi. Chỉ có những người làm việc trong đêm như chúng tôi mới thấy được chuột cống ở Hà Nội nó nhiều như thế nào.
Dân thì có người biết người không, những người buổi chiều hay đi tập thể dục quanh các khu chung cư đều biết vì tầm ấy hai người họ lúi húi đặt bẫy chuột ở các bụi cây ven đường", một bảo vệ nói.
Một bảo vệ khác vui vẻ cho biết: "Tối đến xem họ bắt chuột cũng vui, ban đầu tôi cũng hay bám theo họ xem họ bắt chuột như thế nào. Nhưng mà xem nhiều rồi thì chán, thấy họ đến chỉ cần chào nhau một câu vui vẻ rồi họ làm việc của họ. Tôi luôn tạo điều kiện để họ bắt chuột, giá mà họ có thể bắt hết được lũ chuột cống đi thì tốt, nhưng mà chuột nhiều vô kể, bắt hôm nay mai lại có.
Giờ lũ chuột này chúng ngang nhiên lắm, đến người còn chẳng sợ. Chó, mèo như kiểu đồng lõa với lũ chuột cống rồi thì phải. Có hôm tôi đang ngồi trực trông xe, lũ chuột ngang nhiên chạy đi chạy lại còn cắn nhau chí chóe, nhìn thấy mà bất lực không thể làm gì được. Thời điểm trước tôi cũng có tìm cách đánh bả, thi thoảng vụt chết một vài con nhưng không ăn thua, thôi đành sống chung với chúng vậy".
"Sống ở chung cư cao tầng còn đỡ, sống nhà mặt đất mà gần kênh mương nước thải thì chuyện chuột cống vào nhà là bình thường. Tôi cũng chỉ mong những người này họ bắt được càng nhiều chuột càng tốt", một người dân cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.