Săn đặc sản độc lạ tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh

Nguyễn Quý Thứ năm, ngày 19/01/2017 17:43 PM (GMT+7)
Hội chợ mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) Quảng Ninh lần thứ 4 vừa khai mạc đã gây nhiều chú ý. Tuy số lượng sản phẩm không nhiều (94 gian hàng, 210 sản phẩm, nhóm sản phẩm, tương ứng 289 mặt hàng), nhưng Hội chợ được đánh giá là có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn: Chất lượng - Độc - Lạ.
Bình luận 0

Sáng 19.1, chỉ sau một đêm khai mạc Hội chợ OCOP, gian hàng của huyện Tiên Yên đã "sạch bách", các giá trưng bày hầu như trống rỗng. Nhân viên bán hàng cho biết, họ đang phải đợi những chuyến hàng vận chuyển khẩn cấp từ Tiên Yên đến TP. Hạ Long để tiếp tục bán tại Hội chợ. Hỏi ra mới biết, sản phẩm của huyện Tiên Yên hút khách nhiều nhất là các loại bánh của người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện, như bánh gật gù, bánh cốc mò, bánh lá ngải...

img

Miến dong Bình Liêu hút khách.

Bánh gật gù là một loại bánh phở cuốn thủ công, khi cầm trên tay chiếc bánh như người ngủ gật, ngả ngớn nhiều phía nhưng nhờ tính dẻo dai mà không gãy. Còn khi thưởng thức bánh chấm với nước chấm được pha chế đặc biệt, thực khách thích thú, gật lên gật xuống khen ngon. 

Một sản phẩm nổi tiếng khác là gà Tiên Yên cũng “cháy” ngay trong đêm đầu khai mạc Hội chợ. Anh Lý Văn Thắng, người phụ trách gian hàng huyện Tiên Yên cho biết: “Để chuẩn bị cho ngày khai mạc Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2017 vào ngày 18.1, huyện Tiên Yên đã chuẩn bị 2 tạ gà đã làm sạch, nhưng đến sáng 19.1 thì chỉ còn vài con trong tủ”.

Ngay cạnh gian hàng của huyện Tiên Yên là gian hàng huyện Bình Liêu. Tại đây, sản phẩm miến dong Bình Liêu – một sản phẩm nổi tiếng đã đăng ký thương hiệu – được trưng bày nhiều nhất và cũng bán chạy nhất. Chỉ trong buổi tối 18.1, hơn 1 tạ miến đã được bán đi trôi chảy.

Loại miến nổi tiếng này được sản xuất hoàn toàn từ củ dong riềng. Cây dong riềng được trồng trên những thửa nương, rẫy và ruộng bậc thang vùng đất Bình Liêu từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm.

Trước đây, miến dong được bà con dân tộc Sán Chỉ huyện Bình Liêu sản xuất theo phương pháp thủ công và chỉ phục vụ cho bữa ăn gia đình, ít được đem bán. Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm chất lượng cao, có lợi cho sức khỏe tăng lên đã thúc đẩy nghề trồng dong, chế biến miến của Bình Liêu phát triển, vùng nguyên liệu miến được mở rộng, bà con đã đưa thêm một số máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến kết hợp với phương pháp làm miến thủ công truyền thống nên không những giữ được chất lượng đặc trưng mà còn tăng thêm các giá trị mới: thẩm mỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

img

Sản phẩm Trà Hoa vàng – một sản phẩm OCOP của huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh

Gây tò mò ở gian hàng của huyện Hải Hà là sản phẩm bánh chưng cơm lông. Ngoài những nguyên liệu như các loại bánh chưng khác, như thịt, hạt tiêu v.v. thì còn thêm lá cơm lông xay nhuyễn. Đây là một loại lá cây mọc nhiều ở địa phương, có vị ngọt bùi, hương thơm, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tăng cường sức khỏe. Khi được nấu chín hoặc xay nhuyễn, lá cây cơm lông có màu đỏ tía, đẹp, bắt mắt.

Tại gian hàng của TP.Hạ Long, sản phẩm được cho là độc và lạ năm nay là sản phẩm Hàu sữa chưng thịt. Hàu sữa chưng thịt là sự sáng tạo mới lạ khi kết hợp giữa hàu (một sản vật của biển Quảng Ninh) tươi ngon và thịt lợn nạc tạo nên hương vị béo ngậy thơm ngon. Cách làm món ăn này tựa như làm mắm tép, nhưng lạ miệng và giàu dinh dưỡng hơn. Vậy nên nó được coi là sản phẩm OCOP đặc trưng của TP. Hạ Long, bên cạnh nước mắm truyền thống Đại Yên.

Sản phẩm OCOP của TP.Uông Bí thu hút nhiều khách hàng trung niên và cao tuổi, bởi gian hàng bày bán nhiều loại thảo dược hầu hết có nguồn gốc từ vùng núi Yên Tử. Nổi bật nhất là sản phẩm cao lạc tiên – chuyên trị chứng mất ngủ. Quân – người giới thiệu sản phẩm tại gian hàng - cho biết: Nguyên liệu chính của sản phẩm là cây lạc tiên mọc tự nhiên, có nhiều ở khu vực Thượng Yên Công, Điền Công (TP. Uông Bí). Các thành phần trong cao lạc tiên không những có tác dụng thanh nhiệt, an thần mà còn giúp người bệnh có giấc ngủ tự nhiên. Vì thế sản phẩm lành, dễ dùng, phù hợp ngay cả những người bị tim mạch, huyết áp cao, bị nhiệt...

img

 Giới thiệu sản phẩm Rượu Bâu của người Dao Thanh Y tại gian hàng của huyện Hoành Bồ.

Với gian hàng của huyện Hoành Bồ, hút khách nhiều nhất là sản phẩm rượu bâu Bằng Cả. Rượu Bâu (hay còn gọi là rượu chua) là loại rượu truyền thống có từ lâu đời của người Dao Thanh Y sống ở xã miền núi Bằng Cả. Chính vì thế, hầu hết gia đình người Dao nào ở vùng này cũng biết cách ủ và nấu rượu Bâu. Người ta dùng một số loại lá cây rừng, luộc lên lấy nước cốt rồi trộn với bột gạo, ủ làm men. Sau đó, gạo nếp nương được nấu thành cơm, đem trộn với men và tiếp tục ủ. Sau khoảng 3-5 ngày, khi cơm ủ đã lên nấm thì bắt đầu cho vào hũ, đổ thêm nước và tiếp tục ủ cho đến khi hỗn hợp tiết ra chất lỏng màu vàng trong, có vị chua ngọt. Đấy chính là rượu Bâu.

Nhiều sản phẩm “độc” khác như sá sùng Hải Hà (Top 10 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam); Mực khô Vân Đồn; Trà Hoa vàng Ba Chẽ...cũng thu hút nhiều khách hàng tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2017.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem