Chị Y Naoh 42 tuổi ở tỉnh Kon Tum có bầu 38 tuần, thai nhi chết lưu, khô ối, nhau bong non, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ nhận định đây là trường hợp nhau bong non thể nặng gây chảy máu nhiều.
Sau 4 ngày cấp cứu và tích cực điều trị, sản phụ Y Naoh hiện đã dần hồi phục, tình trạng sức khỏe ổn định.
Trước đó, sáng 19.12, chị Y Naoh nhập viện với tình trạng choáng nặng, thở ngáp, da nhợt nhạt, vã mồ hôi nhớt, mạch nhanh, bụng co cứng như gỗ. Kết quả siêu âm thai khoảng 38 tuần tuổi, nặng 2,6 kg, thai nhi chết trong bụng mẹ, khô ối, nhau bong non tụ máu sau nhau nhiều (hội chứng Couvelaire). Người nhà cho biết, sản phụ đã mang thai lần thứ 8.
Sản phụ được hội chẩn mổ cấp cứu lấy thai và cắt tử cung bán phần; sau mổ điều trị hồi sức tích cực, chống rối loạn đông máu.
|
Sản phụ Y Naoh đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Kon Tum. |
Theo các bác sĩ, nhau bong non là cấp cứu sản khoa thường xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Với diễn biến đột ngột, nhanh chóng, bệnh có thể đe dọa tính mạng của mẹ và thai nhi do tình trạng choáng mất máu, biến chứng rối loạn đông máu hay vô niệu. Do đó, cần phải chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời mới có thể cứu sống mẹ và thai.
Nhau bong non là trường hợp nhau bám đúng vị trí nhưng bị bong sớm, trước khi thai nhi được sổ ra ngoài, do có sự hình thành khối huyết tụ sau nhau. Khối huyết tụ lớn dần làm bong bánh nhau ra khỏi thành tử cung, cắt đứt sự nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi. Tình trạng này thường xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ, hoặc trong lúc chuyển dạ.
Tình trạng này xảy ra đột ngột, diễn tiến rất nhanh chóng. Một số trường hợp có thể gây tử vong cho cả mẹ và con. Lý do, nhau là nguồn cung cấp dinh dưỡng nuôi sống từ mẹ sang thai nhi, nếu bị nhau bong sớm, không mổ lấy thai kịp thời, thai nhi sẽ chết.
Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể gây choáng mất máu do ứ tại tử cung và chảy qua âm đạo, rối loạn đông máu gây máu chảy không ngừng. Người mẹ bị thiếu máu trầm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chứng này như bị té ngã chấn thương trực tiếp vào vùng bụng; có tiền sử sản giật; tiền sản giật… Sinh nhiều lần, sản phụ lớn tuổi có nguy cơ cao bị tiền sản giật, sản giật. Sinh "con rạ" hay "con so" không liên quan đến khả năng tiềm ẩn gây nhau bong non.
Đến nay, nguyên nhân gây nên nhau bong non chưa được xác định rõ ràng. Song huyết áp cao, nhiễm độc thai nghén cũng có thể là nguyên nhân quan trọng và thường thấy đối với chứng này. Thông thường, người có dấu hiệu bị nhiễm độc thai nghén, tháng đầu thường nghén nhiều, phù, huyết áp cao, viêm thận nặng.
Bệnh nhân nhau bong non thường nhập viện trong tình trạng có thể bị đau vùng bụng dưới, xuất hiện một cách đột ngột. Lúc đầu chỉ đau khu trú vùng tử cung, sau đó đau lan khắp cả bụng, cơn đau có tính chất liên tục và kéo dài.Một số khác cũng bị xuất huyết âm đạo, máu sậm màu máu đen, loãng và không đông. Sản phụ có thể vật vã, choáng, thở nhanh, nông; chân tay lạnh; mạch nhanh, huyết áp tụt, có thể kèm theo hội chứng tiền sản giật.
Tử cung co cứng cũng là triệu chứng quan trọng nhất để bác sĩ xác định sản phụ bị nhau bong non. Ở mức độ nặng, có thể ví như tử cung gỗ. Khi sờ, nắn khó thấy rõ các phần thai. Tim thai không nghe được trong những thể nặng vì thai đã chết. Trong thể nhẹ hơn, tim thai khó nghe, thường dẫn đến suy thai nhanh chóng.
Những thai phụ không được khám thai định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ nhiễm độc thai nghén, người có chế độ ăn uống kém, sống ở nơi điều kiện thấp thì khả năng bị bệnh này càng cao. Đó là lý do vì sao những người lao động nặng nhọc, quá sức, phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn lại có nguy cơ bị nhau bong non cao hơn thành thị.
Để đề phòng nhau bong non và các tai biến sản khoa khác, sản phụ nên đi khám thai định kỳ và quản lý thai nghén tốt ở y tế cơ sở.
Theo VnExpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.