Thời gian qua, ở nước ta xuất hiện rất nhiều những ND tự mày mò sáng chế ra các máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo ông, vì sao xuất hiện ngày càng nhiều các sáng chế như thế?
- Có thể thấy, việc xuất hiện các sáng chế đó bắt nguồn từ việc ND đang thực sự gặp khó khăn trong lao động như canh tác, thu hoạch, chế biến, họ chưa có máy móc, nông cụ tương thích để giảm sức lao động, trong khi đó ở nước ta việc cơ giới hóa nông nghiệp của ND chưa được đầu tư đúng mức về đầu tư, việc làm nên buộc họ phải tự tìm tòi, sáng tạo ra các công cụ lao động mới, thiết thực.
Ông Nguyễn Hữu ở phường 10, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) và sản phẩm máy xới bồn cà phê do ông sáng chế.
Thực tế cho thấy, những sáng chế, việc làm của họ chỉ phù hợp với việc làm tại chỗ hoặc để giải quyết việc làm tại đó và mới chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu cần thiết, còn lại vẫn còn phải có thêm quá trình để hoàn thiện phụ hợp.
Có thể thấy, phần lớn những sáng chế của ND đều do một mình họ tự mày mò, tìm tòi với rất nhiều khó khăn. Theo ông, cần có những hỗ trợ như thế nào để khuyến khích và động viên họ có được những sáng chế tốt nhất?
- Nhìn vào những sáng kiến của các ND hiện nay, chúng ta thấy họ rất… tội nghiệp, như công nghệ chế tạo không có, chất lượng thiết bị thấp. Tôi lấy ví dụ đơn giản như vừa qua, trong cuộc thi giữa các máy gặt đập liên hợp, các máy của Trung Quốc, Nhật Bản không chạy dưới sình lầy và thu hoạch lúa đổ ngã được, nhưng các doanh nghiệp của ta làm được vì họ biết làm thế nào để máy chạy được dưới đất sình lầy, rồi dựng cây lúa lên để cắt…
Song họ chỉ làm được một vấn đề cụ thể đó, còn Hãng Kubuta họ khắc phục được bằng cách chế tạo lại bộ truyền động của máy gặt theo hướng phù hợp với thực tế hơn và bán được tới vài trăm chiếc máy.
Quan điểm
Chúng ta có rất nhiều chính sách để hỗ trợ ND sáng tạo, nhưng vấn đề là cần có chính sách để cho họ mạnh lên. Muốn làm được như vậy chúng ta phải kết hợp nhiều vấn đề, chứ như hiện nay người ND đang rất đơn độc trong việc “sáng chế” các sản phẩm phục vụ cho chính mình.
Ý tôi muốn nói là ý tưởng của người ND là rất tốt, nhưng để hiện thực hóa phải có phương pháp khác, vì để người ND làm 1-2 chiếc máy phục vụ cho họ thì được, nhưng để mở rộng ra được, để thương mại hóa, cạnh tranh với thị trường mới là quan trọng. Chúng ta phải trân trọng những ý tưởng, sáng tạo đó là của xã hội để đưa hàm lượng khoa học, ngân sách vào để nâng sáng kiến lên, phải thị trường hóa.
Làm khoa học phải đủ các yếu tố từ nghiên cứu, mày mò, sáng tạo, phát triển… Phải thị trường hóa, chứ để người nông dân đứng một mình sẽ không thể làm được, phải tạo điều kiện để họ tham gia vào chuỗi giá trị đó.
Vậy theo ông, chúng ta có nên khuyến khích các ND “chân đất” tiếp tục sáng chế hay chỉ cần họ tham gia một chuỗi, khâu sản xuất nào đó?
- Hiện nay, về việc hiện đại cơ khí ngành nông nghiệp, do nhà nước không đầu tư đủ mạnh, doanh nghiệp không làm nên người ND mới phải tự mày mò sáng chế, còn khi nếu nhà nước làm mạnh và làm được, người ND chỉ cần ra chợ để mua máy về là được.
Để người ND sản xuất tốt, phải trang bị cho họ công cụ sản xuất tốt, muốn vậy chúng ta cần làm tốt Nghị quyết 48/2009 của Chính phủ về cơ giới hóa nông nghiệp, chứ bây giờ chúng ta để những ND “chân đất” giải quyết vấn đề của cơ giới hóa toàn ngành nông nghiệp là không ổn.
Chính phủ, các bộ, ngành phải giải quyết, trang bị cho ND những máy móc, thiết bị nông nghiệp tốt, còn người nông dân chỉ có vai trò là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là được.
Chúng ta luôn hô hào sản xuất nông nghiệp tốt hơn, nhưng cứ để những ông ND “chân đất” tự mày mò, chế tạo như vậy không khác nào bắt người chiến sĩ phải đi chế tạo súng, họ chế tạo máy móc từ các phế liệu thì làm sao mà hiện đại hóa, cơ khí hóa nông nghiệp được.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.