Ứng xử với vắc xin

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 22/07/2021 14:04 PM (GMT+7)
Trong khi có những người ở nhà biệt thự hoắng lên khoe “vắc xin ông ngoại”, “vắc xin ông anh”, thì vẫn có những người lặng lẽ từ chối với hy vọng dành suất tiêm của mình cho người tham gia chống dịch, người có nguy cơ cao khác. Ứng xử với vắc xin như thế nào lại thành chuyện khi cả xã hội đang “khát” vắc xin.
Bình luận 0

Tại cuộc họp chiều 19/7 tại tỉnh Lạng Sơn nơi phên giậu đất nước, nhóm nhà báo đang thường trú  trên địa bàn tỉnh có một thỉnh nguyện với tỉnh nhà: Được xem xét tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại địa phương. Đích thân Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên giải đáp: "Nhà báo cũng thuộc diện ưu tiên được tiêm, nếu các nhà báo muốn được tiêm thì nên làm công văn gửi tới tỉnh Lạng Sơn, để chúng tôi có cơ sở để phê duyệt. Song thành thật mà nói thì tỉnh Lạng Sơn được cấp quá ít vắc xin, hơn 40 nghìn liều, so với yêu cầu chống dịch của tỉnh nhà, chúng tôi có đến đâu đều giải quyết tiêm cho đối tượng ưu tiên đến đó. Nên các nhà báo cũng cần chia sẻ với tỉnh trong lúc này, một liều vắc xin đúng người tuyến đầu chống dịch là rất quý".  

Với cách trả lời thẳng thắn và có tình có lý của Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên thì chúng tôi hiểu rằng: Công tác quản lý vắc xin của tỉnh hết sức minh bạch, không hề có sự nể nang hay cơ hội ở đây. Ngay cả những nhà báo như chúng tôi thuộc diện được ưu tiên, có nhu cầu tiêm tại nơi  thường trú, thì cũng phải có công văn yêu cầu đúng quy trình. Điều đó thể hiện sự nhận thức trách nhiệm của địa phương đối với từng liều vắc xin phòng bệnh cao đến mức nào. Chỉ có làm đúng chứ nhất định không làm tắt.

Trước đó khi một người bạn thân, biết tôi hay đi công tác mà chưa được tiêm vắc xin vì một vài thiếu sót trong công tác đăng ký ở cơ quan, đã gợi ý mang thẻ nhà báo, thẻ bảo hiểm y tế đến viện nơi anh công tác, sẽ được tiêm vì tôi thuộc diện ưu tiên. Nhưng sau khi suy tính lại tôi vẫn gửi lời cảm ơn anh bạn mình đã lo lắng sức khỏe cho tôi. Còn tôi vẫn quyết định đợi danh sách được tiêm bằng đăng ký chính thức của cơ quan. Tôi biết, nếu ngay cả một mũi tiêm phòng, mà chúng ta cũng phải dùng đến những mối quan hệ để thực hiện, thì vô hình chung đẩy ta vào một trạng thái nhờ vả, luồn lách trong hành xử nhiều công việc khác sau này. Vẫn biết mình đủ tiêu chuẩn tiêm theo quy định, nhưng sự chờ đợi đến lượt tiêm cũng là một hành động rất nhỏ góp vào sự ổn định trật tự cho công tác tiêm phòng.

"Vắc xin ông ngoại" – ứng xử thế nào? - Ảnh 2.

Lời khoe khoang tiêm vắc xin nhờ "ông ngoại" khiến Thủ tướng phải chỉ đạo làm rõ việc tiêm cho đối tượng không ưu tiên ở Bệnh viện Hữu nghị. Ảnh: Từ FBNV.

Cũng liên quan tới tiêm phòng, tôi có một chị bạn làm nghề cung cấp nông sản, được cán bộ của cơ quan chồng chị đề nghị đưa chị vào danh sách cơ quan bên chồng, để được tiêm mũi đầu tiên sớm trong tháng 7 này. Nhưng chị đã từ chối thẳng thắn với lí do mình không thuộc danh sách nhân viên của cơ quan chồng, và cũng không muốn mập mờ trong sự thụ hưởng chính sách chăm sóc của nhà nước. Trong lúc này, chị thấy nhiều người trên tuyến đầu chống dịch cần được bảo vệ bằng vacxin hơn mình. Và chị đã kiên trì đợi đến lượt qua đăng ký từ tổ dân phố nơi mình sinh sống. 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của loại virus nguy hiểm này. Tâm lý lo lắng cho sức khỏe của bản thân đều nảy sinh trong mỗi chúng ta, nhưng ứng xử với vắc xin như thế nào khi cả nước chưa có đến 10 triệu liều vắc xin trong lúc này, mà nhu cầu thực sự mà chính phủ đang đặt mua lên tới 150 triệu liều?

Trước hết phải khẳng định việc các cơ quan chuyên môn phân loại ra 16 nhóm đối tượng được ưu tiên  tiêm vắc xin là hoàn toàn chính xác, họ đều có nguy cơ cao bị lây nhiễm Covid-19 cần được bảo vệ. Mà thực sự bảo vệ các y bác sĩ, lực lượng công an , bộ đội, người cung cấp nhu yếu phẩm cũng chính là bảo vệ bộ máy chống dịch hiệu quả nhất, nếu mắt xích này bi tấn công thì chúng ta dễ có nguy cơ mất kiểm soát trong dịch bệnh. 

Nhưng ở trong xã hội chúng ta vẫn có những cá nhân vì lo lắng thái quá cho bản thân, đã dùng những quan hệ thân hữu để được tiêm vắc xin trước, rồi khoe mẽ trên mạng xã hội như muốn khẳng định "đẳng cấp" của mình. Điều này đã tạo ra những năng lượng tiêu cực, đến mức chia rẽ, nghi ngờ trong xã hội. Đến mức cả Thủ tướng cũng phải chỉ đạo rà soát về công tác tiêm phòng đối với bệnh viện Hữu Nghị ở Hà Nội thì đó cũng là một lời cảnh báo nghiêm túc trong công tác tiêm phòng hiện nay. 

Tất nhiên rất nhanh chóng những cá nhân có nhận thức sai lầm về vắc xin đã phải chịu trách nhiệm. Chắc chắn những sự lạm dụng như vậy không có tính phổ biến và hệ thống, nhưng lại để tiếng rất xấu trong dư luận xã hội với chính ngành y tế đang lúc nước sôi lửa bỏng. Thực tế số liệu ưu tiên tiêm vắc xin cho những khu vực dịch bùng phát nặng nhất ở phía nam dã được công khai, nhưng dường như người ta lại thích chia sẻ câu chuyện "vắc xin ông ngoại", thậm chí những số liệu giả mạo, gây chia rẽ. Ngay cả các nước tài trợ vắc xin  cho nước ta, họ cũng mong muốn rằng vắc xin được tiêm cho những đối tượng đáng được thụ hưởng, chứ không phải để bảo vệ những người hành xử kiểu đặc quyền, đặc lợi.

Với sự vào cuộc tích cực của chính phủ, sự phổ cập vắc xin phòng chống Covid-19 tới mọi người dân sẽ là cái đích mà chúng ta đặt ra và hướng tới, khi kế hoạch 150 triệu liều vắc xin đã từng bước được thực hiện. Sẽ không có người dân nào bị bỏ quên, hay bỏ qua trong công cuộc chăm sóc sức khỏe toàn dân của nhà nước chúng ta. Vì vậy mỗi công dân nên bình tĩnh, chờ đợi và chắc chắn sẽ đến lượt. Không cần phải vội vàng tranh giành tiêm rồi để khoe khoang. Điều đó sẽ tự hạ thấp giá trị của bản thân khi họ biến mình thành kẻ tham lam và dị biệt với cộng đồng xã hội, đang dồn toàn lực để phòng chống Covid.    


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem