Sắp bặt tiếng hát Kiều

Thứ hai, ngày 04/04/2011 10:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng trăm năm qua, xã Quảng Kim đã lưu giữ được điệu hát Kiều độc đáo. Tuy nhiên, điệu hát này đang có nguy cơ bặt tiếng.
Bình luận 0
img
Cụ Đặng Đôn

Theo các bậc cao niên, hát Kiều tồn tại ở ngôi làng nằm dưới chân Đèo Ngang này có lẽ đã trên 200 năm.

Điệu hát độc đáo

Ngày trước, mỗi khi Quảng Kim chuẩn bị hội vui là tiếng hát lại rộn rã khắp mọi lối xóm. Từ những năm 1930, làng đã có đoàn hát Kiều đi diễn khắp nơi, xuống Cảnh Dương, sang Quảng Châu, lên Quảng Hợp hay vô tận Ba Đồn, ra cả vùng Kỳ Anh (Hà Tĩnh)...

Trong kháng chiến chống Mỹ, bom đạn bắn phá ác liệt là vậy nhưng chiếu hát Kiều ở Quảng Kim vẫn tồn tại, vẫn "át" cả tiếng bom trong những ngày hội làng.

Cũng có thời kỳ hát Kiều lắng xuống, nhưng những năm 90 của thế kỷ trước, chiếu hát lại được khôi phục và phát triển bởi những người tâm huyết. Một trong những người đó là cụ Đặng Văn Đôn, năm nay 79 tuổi.

Hát Kiều ở Quảng Kim mang nhiều nét độc đáo bản địa khác với hát Kiều của Nghệ Tĩnh. Đây là một kho tàng âm nhạc dân gian quý giá cần được bảo tồn và phát triển.

Năm 1993, cụ Đôn đã thành lập CLB hát Kiều của làng gồm 25 thành viên, tháng nào cũng sinh hoạt định kỳ 2 lần. Trang phục, đạo cụ do các thành viên tự nguyện bỏ tiền mua. Trong những ngày lễ Tết, kỷ niệm và những ngày vui của xã, CLB thường hát cho dân làng xem…

Theo cụ Đôn, Quảng Kim hiện còn 31 làn điệu hát Kiều. Ngoài những điệu hát quen thuộc như nói lối, hát xướng, ngâm thơ thì hát Kiều ở Quảng Kim còn có thêm điệu "La chớ" là làn điệu độc đáo chỉ có ở Quảng Kim mới có.

TS Nguyễn Tri Nguyên - Viện Văn hoá nghệ thuật VN nhận xét: "Hát Kiều Quảng Kim mang nhiều nét độc đáo bản địa khác với hát Kiều của Nghệ - Tĩnh. Đây là kho tàng âm nhạc dân gian quý giá cần được bảo tồn và phát triển".

Sắp "bặt" tiếng hát Kiều?

Hát Kiều độc đáo là thế, nhưng mới đây cụ Đôn cho biết, CLB có nguy cơ giải tán. Ngày thành lập CLB có 25 thành viên, nhưng nay chỉ còn lại 10 người, cao tuổi nhất là cụ Từ Tình (82 tuổi), thấp tuổi nhất là bà Giã Thị Thi cũng đã 65, còn lại đều trên 70 tuổi như cụ Phan Uy (75 tuổi), cụ Lê Lam (76 tuổi)...

"Mai này những người tâm huyết trong câu lạc bộ hát Kiều như cụ Đôn, cụ Phan Uy, cụ Từ Tình, cụ Lê Lam… không còn nữa thì không biết điệu hát Kiều ở Quảng Kim có còn truyền giữ cho đời sau?" - cụ Đôn trăn trở.

Đáng buồn là ngoài các cụ ông, cụ bà trong CLB, thế hệ trẻ ở Quảng Kim rất “lạnh nhạt” với hát Kiều. Nguyên nhân là do các thế hệ sau này chưa đọc trọn vẹn và hiểu hết được “Truyện Kiều”, chưa lĩnh hội hết cái hay của các làn điệu hát Kiều, nên không có sự đam mê. Trong khi đó, CLB hát Kiều còn không có kinh phí để hoạt động nói gì đến kinh phí bồi dưỡng, truyền thụ hát Kiều cho lớp trẻ.

Cụ Đôn ao ước: "Nếu được xã, huyện, tỉnh cho kinh phí, chúng tôi sẽ có điều kiện để bồi dưỡng, truyền thụ lại cho lớp trẻ để bảo tồn bằng được điệu hát độc đáo này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem