|
Những ruộng ngô BĐG được trồng khảo nghiệm hạn chế ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang (Hưng Yên). |
Bước đột phá lớn
Nhưng giống ngô BĐG này đã được tiến hành trồng khảo nghiệm tại Trạm Thực nghiệm Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) và Trạm Khảo nghiệm giống cây trồng Đông Nam bộ với hình thức khảo nghiệm hạn chế, do Viện Di truyền nông nghiệp thực hiện.
Theo ông Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, các giống ngô được đưa vào khảo nghiệm đều cho thấy sức kháng sâu bệnh rất cao. Sau khi thực hiện gây nhiễm sâu đục thân nhân tạo một tuần, tỷ lệ cây bị hại ở ngô biến đổi gen chỉ là 21,6% với chỉ số bị hại là 2,41%.
Việc tăng năng suất từ cây trồng BĐG góp phần làm giảm lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu như ngô, đậu tương, hạ giá thành thức ăn qua đó thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát
Trong khi đó ở các giống ngô thường đối chứng, tỷ lệ cây bị hại lên tới 98% với chỉ số bị hại 64-71%. Ở các giống ngô BĐG, hoàn toàn không ghi nhận được hiện tượng thân cây bị hại và cờ bị gẫy (do sâu đục thân gây ra), đồng thời chống chịu được thuốc trừ cỏ.
Khi phun thuốc trừ cỏ với liều cao thì cây ngô giống BĐG vẫn phát triển hoàn toàn bình thường, trong khi giống ngô đối chứng bị nhiễm độc với thuốc trừ cỏ và chết hoàn toàn sau 7 ngày phun thuốc. Kết quả thu hoạch bước đầu cho thấy, năng suất của một số giống ngô BĐG trồng khảo nghiệm lên tới 8-10 tấn/ha, cao gấp hơn 2 lần so với năng suất ngô đang trồng ở nước ta hiện nay.
Trồng đại trà ngô BĐG vào năm 2011
Hiện nay, một số nhà khoa học vẫn băn khoăn về quy trình khảo nghiệm và cho rằng sẽ là “vội vàng” nếu đưa ngô BĐG vào trồng đại trà. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, trên thế giới đã có 25 quốc gia trồng cây BĐG với diện tích hơn 120 triệu ha.
Hội đồng an toàn sinh học ngành NN&PTNT đã cấp phép cho Công ty Sygenta VN được nhập khẩu và khảo nghiệm 3 giống ngô BĐG; Công ty Mosanto Thái Lan được nhập khẩu và khảo nghiệm 3 giống; Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred được nhập khẩu và khảo nghiệm 1 giống.
Mặt khác, việc chuẩn bị đưa cây trồng BĐG vào đồng đất VN đã được chuẩn bị hàng chục năm (kể cả về nghiên cứu và xây dựng văn bản pháp luật)... nên nếu không sớm đưa cây trồng BĐG vào VN thì chúng ta sẽ tụt hậu so với thế giới. Thứ trưởng Bổng nhấn mạnh: “Có thể khảo nghiệm diện hẹp lần 2 ngay trong vụ đông năm nay, để sang cuối năm 2011, đưa ngô BĐG ra trồng đại trà”.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Hy vọng những năm tới ngô BĐG sẽ đưa năng suất lên 5-6 tấn/ha. Như vậy nước ta có thể đạt sản lượng 7-7,5 triệu tấn ngô/năm, cao gấp 1,5 lần so với sản lượng ngô hiện nay. Khi đó, cùng với giá thành sản xuất giảm, chúng ta cũng sẽ không còn phải nhập khẩu ngô nữa.
Trước thành công trong khâu khảo nghiệm diện hẹp ngô BĐG, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phấn khởi cho biết, có thể ông sẽ mời Bộ trưởng các ngành Y tế, TN&MT, Công Thương đến “chiêm ngưỡng” những bắp ngô BĐG có thương hiệu “Made in Vietnam”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát cũng bày tỏ mong muốn các nhà khoa học Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu cây ngô BĐG nói riêng và các loại cây trồng BĐG đã được cho phép khảo nghiệm (bông, đậu tương) ngay trên đồng đất Việt Nam để đưa ngành nông nghiệp tiến nhanh hơn, bền vững hơn.”
Việc đưa cây trồng BĐG vào đại trà, đem lại những lợi ích thiết thực, trách nhiệm không chỉ của riêng ngành nông nghiệp mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của ngành TN&MT, Công Thương, Y tế, KH&CN”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.