Sát hại người nợ tiền, dựng hiện trường vụ hiếp dâm

Thứ ba, ngày 04/09/2018 09:41 AM (GMT+7)
Hiện trường không dấu vết, thi thể không trọn vẹn áo quần của bà Hà khiến cảnh sát ban đầu nhầm đây là vụ hiếp dâm, đốt nhà phi tang.
Bình luận 0

Bà Lưu Hồng Hà đã ly dị, sống cùng con trai trong căn nhà hai tầng có sân rộng ở thành phố Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Bà ở tầng một, con trai 20 tuổi ở tầng hai. Sáng 15/2/2012, con trai bà xuống nhà mới phát hiện phòng của mẹ bị cháy.

Tại hiện trường, bà Hà tử vong tại giường, trên người có 32 vết đâm bằng dao, chủ yếu tập trung ở phần cổ. Trên giường, chỉ khu vực quanh bà Hà là bị cháy, cạnh đó có một bình gas...

Ban đầu, cảnh sát nhận định đây là vụ cưỡng hiếp do căn cứ quần áo của nạn nhân nhưng kết quả xét nghiệm đã bác bỏ nhận định này. Đồ đạc trong phòng ngủ có dấu hiệu bị lục lọi, nhưng trong tủ vẫn còn khoảng 8.000 nhân dân tệ.

Cảnh sát cho rằng việc hung thủ tạo hiện trường là vụ cưỡng hiếp hoặc cướp của giết người có thể nhằm che giấu động cơ trả thù. Hung thủ muốn làm nổ bình gas để phá hoại hiện trường triệt để hơn nhưng bình không bị nổ hay rò rỉ.

Hiện trường không còn dấu vết gì có giá trị phá án, ngoài một dấu tay dính máu in trên tường, nhưng lại là lòng bàn tay chứ không phải ngón tay.

img

Dấu vân tay máu trên tường.

Mười năm trước, bà Hà chuyển đến Hứa Xương, mở cửa hàng nhập và phân phối thịt chó đầu tiên tại đây. Việc làm ăn ngày càng lớn, thu nhập ngày càng cao, đến nay số tiền tiết kiệm của bà đã lên tới hàng triệu nhân dân tệ. Tuy nhiên bà sống tằn tiện, có lúc chỉ vài gói mì tôm cũng xong bữa trưa cho cả nhà. Không chịu được tính chi li của vợ, ba năm trước chồng bà là Hoàng Văn Đào đã ly hôn và chuyển đến thành phố Bình Đỉnh Sơn trong tỉnh.

Ban đêm vẫn có người mang thịt chó đến giao nên cổng nhà bà Hà không bao giờ khóa. Cửa chính không có dấu hiệu cậy phá, rất có thể nạn nhân đã mở cửa cho hung thủ vào. Con trai nạn nhân cho biết một thông tin quan trọng: Nhà có một con chó xích ở cổng, nhưng cả đêm hôm đó không hề nghe thấy tiếng sủa.

Theo CCTV, việc điều tra trước tiên nhằm vào những người thân quen đến mức vào nhà mà chó không sủa. Chồng của nạn nhân khi ly hôn không nhận được một đồng nào vì bà Hà cho rằng chồng không góp công sức gì cho việc làm ăn. Gần đây có người thấy ông Đào thường xuyên đến nhà vợ cũ, đến mức chó cũng không sủa nữa.

Con trai nạn nhân nói rằng bố đến vay tiền mẹ song bị từ chối. Chiều tối ngày 14/2, con trai lại thấy bố đến vay tiền và tranh cãi với mẹ. Cảnh sát cho rằng ông Đào có động cơ gây án và bị đưa vào diện tình nghi. Tuy nhiên vợ sắp cưới của ông Đào lại xác nhận 21h ngày 14 ông đã về đến nhà ở Bình Đỉnh Sơn, trong khi nạn nhân bị sát hại lúc 11h45.

Những người thân thường đến nhà bà Hà được điều tra nhưng tất cả đều không có điều kiện gây án. Cảnh sát buộc phải xem xét lại hiện trường và có một phát hiện khác. Ngoài ban công tầng hai có một lớp bụi, nhưng một số vị trí lại có vết mờ như có người đi qua. Từ dưới đất có thể trèo theo cột điện để sang ban công này. Như vậy có thể nạn nhân quên đóng cửa ban công, hung thủ không đi vào cổng chính, vì vậy chó mới không sủa.

Trong sổ danh bạ điện thoại của nạn nhân có 596 người, đa số là quan hệ làm ăn. Ban chuyên án huy động hơn một trăm cảnh sát lần lượt điều tra về gần sáu trăm người này, tìm được một người có vân lòng bàn tay trùng với dấu tay máu trên tường. Đó là Lâm Nguyên, đồng hương của bà Hà. Do việc làm ăn ngày càng lớn, Hà phải thuê người ở quê lên hỗ trợ và Nguyên là một trong số đó.

Tuy nhiên thời gian xảy ra vụ án thì Nguyên lại về quê ăn tết chưa lên. Khi được hỏi về dấu tay máu, nguyên giải thích đó là một lần đang mổ chó thì bà Hà gọi vào phòng nhờ khiêng đồ. Nguyên chưa kịp rửa tay, sơ ý chống vào tường nên để lại dấu tay. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy đây đúng là máu chó chứ không phải máu người. Nguyên được loại khỏi danh sách tình nghi.

Ba tuần sau khi xảy ra vụ án, cảnh sát đã lần lượt điều tra xong toàn bộ 596 người. Ngoài một số người không liên lạc được, tất cả những người được hỏi đều có bằng chứng ngoại phạm, nhưng cảnh sát vẫn chú ý đến một người là Nhan Hồng Cử.

Cử là một trong các đầu mối cung cấp thịt cho cho bà Hà. Hai năm trước Cử bị đi tù vì đánh người khác, mới ra tù. Trước khi Cử vào tù, bà Hà vẫn nợ hắn hơn 10.000 nhân dân tệ tiền thịt chó. Khi ra tù hắn đến nhà đòi thì bà Hà nhất quyết không trả. Tối 14/2, hắn lại đến đòi một lần nữa nhưng bà Hà vẫn không thay đổi ý định, dẫn đến to tiếng.

Cử có bằng chứng ngoại phạm là ngồi quán Internet từ 22h đến gần 1h sáng hôm sau, có đăng kí chứng minh thư. Tuy nhiên cảnh sát cho rằng bằng chứng này không vững chắc, rất có thể hắn đang ngồi rồi lại bỏ ra ngoài gây án sau đó quay lại. Điều tra sâu hơn, cảnh sát phát hiện sau khi rời khỏi quán net này, Cử lại đến một quán khác cách đó một đoạn. Quán net này có camera, cảnh sát thấy hắn ngồi trước máy tính mà không làm gì, có vẻ rất hoang mang sợ hãi.

Khi làm việc với cảnh sát, Cử không thể giải thích được tại sao lại chuyển quán khác. Cuối cùng, Cử phải nhận tội.

Theo đó, hai tháng sau khi ra tù, Cử không tìm được công việc gì, cũng không có vốn làm ăn. Nhớ bà Hà còn nợ tiền nên đến đòi. Sau trận cãi nhau tối 14/2 hắn phát hiện cửa ban công tầng hai chỉ khép hờ.

Ra quán Internet gần đó, hắn càng nghĩ càng uất ức nên quay lai trèo vào nhà bà Hà... Do hắn dùng chăn che chắn khi gây án nên chỉ bị bắn vài giọt máu lên quần áo.... Quay trở lại quán Internet, hắn vẫn ám ảnh về cảnh tượng đẫm máu vừa rồi nên phải vào một quán khác ngồi đến sáng cho đỡ sợ.

Theo cảnh sát Trung Quốc, vài tháng đầu sau khi ra tù là thời gian người từng phạm tội dễ tái phạm nhất. Nếu được giúp đỡ để vượt qua giai đoạn khó khăn này, đa số các tù nhân mãn hạn sẽ có thể làm lại cuộc đời.

Khang Diệp (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem