Một chương trình giải trí giới trẻ của Yeah 1 (Ảnh: IT)
Hiện cổ phiếu YEG đang ở mức giá 194.600 đồng/CP (kết phiên giao dịch ngày 24.8), đây cũng là phiên tăng trần hiếm hoi đầu tiên của cổ phiếu này sau 2 tháng niêm yết trên HoSE (Từ ngày 26.6). Tuy nhiên, so với mức đỉnh của những ngày đầu tiên chào sàn ở mức giá 343.000 đồng/CP thì mức giá hiện tại của YEG đã bay mất 43,2% giá trị (tương ứng gần 150.000 đồng/CP).
Sự nghi ngại của giới đầu tư
Ngay khi thông tin đầu tiên về Yeah 1 chuẩn bị niêm yết được công bố hồi cuối tháng 5.2018, thị trường chứng khoán tỏ ra khá hoài nghi bởi nền tảng của một doanh nghiệp được thành lập hồi tháng 9.2006 và cũng là doanh nghiệp đầu tiên của ngành truyền thông niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng mức giá chào sàn lại lên tới 250.000 đồng/CP - trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm đó. Mức giá này cũng khiến vốn hóa của YEG lên tới 300 triệu USD ngay khi chào sàn.
Theo bản cáo bạch khi niêm yết, YEG chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ quảng cáo (từ 4 kênh truyền hình cáp sở hữu bởi công ty và 12 kênh khác do công ty quản lý); các kênh điện từ (Youtube, Google); Các mảng khác (phí bản quyền, phí dịch vụ, cho thuê văn phòng,…). Trong giai đoạn 2013-2017, YEG đạt được mức tăng trưởng kép ở doanh thu và LNST lần lượt là 52,7% và 36,6%. Trong khi doanh thu tăng trưởng bền vững hơn thì LNST lại khá biến động, giảm mạnh trong hai năm 2015 và 2016 khi mà công ty trong quá trình thâm nhập vào thị trường các kênh điện tử.
Kết thúc năm 2017, công ty ghi nhận mức tăng trưởng 49,4% và 402,4% ở doanh thu và LNST, lần lượt đạt 840 tỷ đồng và 81 tỷ đồng.
Phiên tăng trần hiếm hoi của cổ phiếu YEG sau chuỗi ngày giảm giá
Tuy nhiên, ở mức giá chào sàn lên tới 250.000 đồng/CP, YEG khiến nhiều “ông lớn” như VIC, SAB, VNM... phải ‘ngước nhìn”, trong khi nếu so sánh về tỷ suất sinh lời, quy mô tổng tài sản, lợi nhuận... thì YEG thua kém rất xa. Điều này khiến nhà đầu tư nghi ngại dù lãnh đạo Yeah 1 liên tục giải thích rằng việc định giá cổ phiếu là dựa trên chiết khấu dòng tiền tương lai, chưa kể các cổ đông lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài lần lượt phát ngôn ủng hộ.
Dĩ nhiên, khi chưa có các doanh nghiệp cùng ngành niêm yết để làm cơ sở để tham chiếu, việc nhà đầu tư dựa vào các “ông lớn” trên thị trường như VIC, SAB, VNM... làm cơ sở tham chiếu cũng có phần khập khiễng, nhưng điều này cũng phần nào có thể lý giải bởi không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm... “đếm cua trong lỗ” khi chỉ số P/E của YEG lên tới 90,47. Trong khi đó, các doanh nghiệp cùng ngành ở nước ngoài cũng không cao như vậy. Chẳng hạn, ở Mỹ thì trung bình mức P/E của ngành truyền thông số chỉ ở 17,6; trong khi đó, ở nước láng giềng Thái Lan thì P/E trung bình của ngành truyền thông cũng chỉ 18,5.
Còn nếu so sánh về tỷ suất sinh lời, quy mô tổng tài sản, lợi nhuận... với một số “ông lớn” trên thị trường chứng khoán Việt, cái giá của cổ phiếu YEG cũng là “cực kỳ vô lý” khi các chỉ số này chênh nhau rất nhiều.
Chẳng hạn, nếu so sánh với Vinamilk, trong khi doanh thu của Yeah1 năm 2017 chỉ 852 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 82 tỷ đồng thì Vinamilk có doanh thu năm 2017 đạt 51.041 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 24.234 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của Yeah 1 chỉ khoảng 8,3%, trong khi Vinamilk là 69,9%. Trong khi đó, giá của cổ phiếu VNM chỉ dao động 150.000 - 160.000 đồng/CP, cổ tức hàng năm khoảng 40%.
“Bốc hơi” gần 50% giá trị cổ phiếu
Tính tới thời điểm hiện tại (26.8), thị giá cổ phiếu YEG đã bay gần 50% giá trị, chỉ còn 194.600 đồng/CP; lượng giao dịch cổ phiếu trên thị trường cũng rất ít. Đặc biệt, nhiều công ty chứng khoán khi đề cập đến cổ phiếu YEG cũng chỉ đưa ra khuyến nghị “theo dõi” mã cổ phiếu này.
Chẳng hạn, với Công ty Chứng khoán ACBS, năm 2018, YEG lên kế hoạch doanh thu đạt 2.285 tỷ đồng (tăng 172%) và lợi nhuận sau thuế phân bổ cho công ty mẹ là 228 tỷ đồng (tăng 293%) tương ứng với mức EPS 9.580 đồng. Tuy nhiên, với giá niêm yết 250.000 đồng, YEG đang giao dịch ở mức P/E 2017 là 103x và P/E forward là 26x mà theo quan điểm của ACBS là khá cao khi mà P/E thị trường đang ở khoảng mức 18x. Thêm vào đó, tuy công ty nhắm đến mức CAGR của giai đoạn 2014 - 2020F là 60% cho doanh thu và 63,6% cho LNST, ACBS có những lo ngại liên quan đến việc YEG có thể đạt được mức tăng trưởng này hay không.
“Lo ngại của chúng tôi đến từ mức tăng trưởng vượt bậc của công ty gần đây đến từ mảng kênh điện tử mới sau khi YEG chuyển sang từ các kênh truyền thống và xây dựng Mạng lưới kênh Youtube, và mảng này cũng đã có dấu hiệu chậm lại khi mà mức tăng trưởng lượt theo dõi và số lượng người đăng ký theo dõi sẽ giảm mạnh theo dự phóng của công ty. Thêm vào đó, mức độ cạnh tranh trong mảng này đang tăng dần với nhiều công ty nước ngoài đã và đang gia nhập như CJ đang phát triển và mở rộng nhanh trong ngành giải trí của Việt Nam”, đại diện ACBS cho biết.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán FPTS thì dù đưa ra đánh giá về triển vọng kinh doanh của YEG là “khả quan” nhưng chỉ đưa ra khuyến nghị “theo dõi” cổ phiếu này với nhà đầu tư. Nguyên nhân là YEG là DN mới niêm yết, ít thông tin nên cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả hoạt động và minh bạch.
Được biết, Yeah 1 vừa mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét. Theo đó, tính đến ngày 30.6.2018, tổng tài sản của Yeah 1 đạt 992 tỷ đồng, tăng thêm 335 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Doanh thu thuần Tập đoàn đạt 677 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 79,4 tỷ đồng, tương ứng giảm nhẹ 0,3% và 2% so với số liệu tự lập. Ngoài ra, mới đây vào ngày 13.8, Macquarie Bank Limited - London Branch (Australia) cũng đã bán bớt 88.150 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại Yeah1 từ 5,06% xuống còn 4,74%. Theo đó, tổ chức này còn nắm giữ gần 1,3 triệu cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn của Yeah1.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.