Sau G-20: Mỹ -Trung Quốc đứng cùng một con đường?

Thanh Minh Chủ nhật, ngày 04/09/2016 17:31 PM (GMT+7)
Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G-20 với chủ đề - "Xây dựng nền kinh tế toàn cầu sáng tạo, lành mạnh, hỗ trợ lẫn nhau và toàn diện", đã chính thức khai mạc tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Bình luận 0

Hội nghị thượng đỉnh ở Trung Quốc có sự tham dự của Tổng thống và các nhà lãnh đạo của 19 quốc gia (Argentina, Australia, Brazil, Anh, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Canada, Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc, Nga, Ả Rập Saudi, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Nam Phi, Nhật Bản) và Liên minh châu Âu.

Tại hội nghị thượng đỉnh ngoài những người đứng đầu các nước thành viên G20, với tư cách khách mời thường xuyên có Thủ tướng Tây Ban Nha và Singapore.

Mạng tin Bloomberg nhận định hội nghị sẽ tập trung vào nhiều vấn đề như kinh tế toàn cầu và khủng bố. Tuy nhiên, những căng thẳng bên lề cũng có thể sẽ nổi lên, phân tán sự chú ý của dư luận đối với hội nghị. Trong đó có các vấn đề nóng như hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc, căng thẳng Biển Hoa Đông, quan hệ Mỹ- Nga…

Việc Hàn Quốc chấp nhận cho Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này đã khiến quan hệ Seoul – Bắc Kinh trở nên lạnh lẽo nhanh chóng. Trung Quốc và Nga đều lo ngại hệ thống này có thể được sử dụng để chống lại mình. Đã có những trao đổi trong nội bộ Trung Quốc về việc trừng phạt thương mại đối với Hàn Quốc, quốc gia vốn rất cần đầu tư, thương mại và du lịch của Trung Quốc.

img

Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngoài ra, G-20 cũng sẽ nóng với chủ đề căng thẳng trên biển Hoa Đông và quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất ở Đông Bắc Á là Trung Quốc và Nhật Bản đang ở trong giai đoạn căng thẳng do tranh chấp đảo ở Biển Hoa Đông. Những tuần gần đây, các tàu cá và tàu chấp pháp của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản khẳng định thuộc chủ quyền nước này. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tập Cận Bình không có nhiều hy vọng do cuộc gặp đầu tiên tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh năm 2014 đã kết thúc nhanh chóng và không đạt nhiều kết quả. 

Về quan hệ Nga-Mỹ, theo Cố vấn về chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov, không có cuộc gặp nào được lên kế hoạch giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Obama tại Trung Quốc, mặc dù hai bên có thể có các cuộc tiếp xúc làm việc cấp thấp hơn. Quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này đã trở nên lạnh lẽo hơn sau khi có các cáo buộc rằng cơ quan tình báo Nga đã tấn công mạng máy tính của Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ (DNC) và công bố các bức thư điện tử nhằm tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, mối quan hệ Mỹ- Trung lại được cho là vấn đề không quá căng thẳng trong hội nghị G-20 lần này, theo giới chuyên gia.

Giới phân tích nhận định Trung Quốc muốn bảo đảm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra suôn sẻ, trong bối cảnh nước này tìm cách củng cố vị thế toàn cầu và tránh gay gắt liên quan căng thẳng với Mỹ trong nhiều vấn đề.

Trước đó, tại cuộc hội đàm cấp cao Mỹ-Trung trước khi diễn ra hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Mỹ để đảm bảo các mối quan hệ song phương duy trì đúng hướng. Ông hối thúc hai nước tuân thủ các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng nhau và hợp tác cùng thắng, xử lý và kiểm soát bất đồng theo cách thức xây dựng, để thúc đẩy sự phát triển không ngừng và ổn định của các mối quan hệ song phương.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trung Quốc mong muốn đứng cùng một con đường với Mỹ để đảm bảo mối quan hệ giữa hai nước phát triển đúng hướng, tránh xung đột, đối đầu và duy trì các nguyên tắc đôi bên cùng tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và  hợp tác, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung Quốc phát triển lành mạnh”.

Tổng thống Obama trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình nói rằng ông muốn có cuộc hội đàm thẳng thắn về các vấn đề khó khăn trong quan hệ song phương, như vấn đề an ninh mạng, nhân quyền và những quan ngại về hàng hải.

Tôi mong muốn được thảo luận rộng rãi về lợi ích chung của chúng ta trong việc thúc đẩy an ninh khu vực và toàn cầu, từ vấn đề bán đảo Triều Tiên đến cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mỹ hoan nghênh những đóng góp của Trung Quốc trong việc phát triển toàn cầu, giữ gìn hòa bình và hỗ trợ người tị nạn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem