Sau hơn 2 tháng dạy SGK lớp 1 mới, giáo viên mỗi người "bơi" một kiểu

Bạch Dương Thứ năm, ngày 19/11/2020 13:45 PM (GMT+7)
Sau hơn 2 tháng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, qua nhiều lần tập huấn, rút kinh nghiệm, các giáo viên đang tìm cách "bơi" với chương trình để dạy học sinh sau khi được xác định: SGK không phải là tài liệu dạy học duy nhất.
Bình luận 0
Bài 1: Sau hơn 2 tháng dạy SGK lớp 1 mới, giáo viên mỗi người "bơi" một kiểu - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Đức, quận 8, TP.HCM.

Khó cũng phải tìm cách xoay

Trong một cuộc hội thảo về chương trình lớp 1 mới do Sở GDĐT TP.HCM tổ chức, nhiều giáo viên thẳng thắn bày tỏ chương trình khá nặng với cả giáo viên và học sinh. Để dạy kịp nội dung, giáo viên phải "xoay" bằng nhiều cách.

Cô Minh Hoài, giáo viên lớp 1 một trường tiểu học ở quận 5 (TP.HCM) cho biết: "Tôi đang dạy lớp 1 có 33 học sinh. Những buổi đầu, khoảng nửa lớp nắm được chương trình lớp 1 mới. Trong khi đây là lớp tiếng Anh tích hợp, nhiều phụ huynh đã cho con học chữ trước.

Ở môn tiếng Việt, đầu tiên vỡ lòng các em phải được viết các nét móc trên, móc dưới, nét thẳng. Đằng này nhập môn là các em viết luôn chữ "a", "b". Thời gian chỉ có 35 phút, không đủ để tiếp thu, chưa kể những hôm học 3-4 vần trong một tiết.

Ở chương trình cũ, sáng học nội dung chính, chiều học hai tiết toán, hai tiết tiếng Việt bổ sung. Nghĩa là khoảng thời gian này, giáo viên dạy thêm, kèm thêm cho các em buổi sáng chưa nắm kịp bài.

Còn với chương trình sáng tạo mới, buổi chiều là tiết hoạt động trải nghiệm. Nhiều kiến thức nhưng thời gian ít, chương trình nặng, giáo viên có giỏi mức nào cũng rất khó xoay xở để các em theo kịp một cách tương đối.

Ngoài ra, môn tiếng Việt những tuần đầu đã có tiết đọc. Học trò viết không xong, đọc chưa rành nhưng tiếp đến là phần chính tả vừa có chữ, vừa có số. Hơn 20 em khi viết số 1, tôi phải dùng bút đỏ chấm nét mô phỏng trước, sau đó các em viết đậm ở hàng bên".

Cô Đặng Thị Kiều Diễm Dung, giáo viên lớp 1/6 Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) cho biết, chương trình mới không quy định cứng nội dung từng bài học tương ứng với thời gian của buổi học, tuần học, mà chỉ quy định thời lượng và yêu cầu cần đạt của cả năm học đối với từng môn học.

Sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 trước đây thiết kế mỗi bài học 2 tiết, học sinh học 2 âm, hoặc vần mới. Năm quyển SGK Tiếng Việt lớp 1 mới, mỗi nhóm tác giả có cơ sở phân chia số âm, hoặc vần mới thành các đơn vị bài học. Cả năm bộ sách, các âm và vần đều được sắp xếp từ dễ đến khó. Sách hướng cho học sinh việc học hợp tác với nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, SGK mới có những hạn chế như nội dung sách còn nhiều chữ. Số lượng chữ trong một số bài đọc còn nhiều khiến việc khai thác hết ý nghĩa của câu chuyện đối với một số học sinh còn hạn chế. 

Học sinh lớp 1 mới vào môi trường tiểu học, chưa biết chữ và số nên cũng khó khăn cho các em khi tiếp nhận kiến thức, đặc biệt đối với học sinh chậm tiếp thu. Giáo viên phải đọc và giải thích nhiều trong một tiết học. Trong sách còn một vài ngữ liệu và hình ảnh chưa phù hợp với đối tượng học sinh.

Chia sẻ câu chuyện thực tế và năng lực học sinh lớp mình chủ nhiệm, cô Nguyễn Lê Hạnh Dung, giáo viên Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5), cho rằng với chương trình mới, giáo viên có quyền linh động, hoán đổi trong tiết dạy.

"Trong tiết 1, thay vì dạy viết bảng con, sau đó mới rèn tập viết, mình chuyển hoạt động viết lên vở tập viết sang tiết 2, để tiết 1 rèn chắc trên bảng con, rèn chắc độ rộng độ cao, chắc con chữ đó, chứ không đợi đến cuối tuần. Ví dụ, rèn chữ "a", nét cong kín và nét móc mình sẽ móc chung vào đó. Mình sẽ đọc và dồn thời gian rèn ngay tại chỗ, sau đó phát âm. Hoặc dạy vần cũng vậy. Tiết 1, mình không dạy thực hành tập viết nữa mà dồn sang tiết 2, lúc đó đã viết chắc trên bảng con rồi. Mà bảng con thiết kế ô li rất rõ ràng, giáo viên linh động đi từng bàn với học sinh yếu, cầm tay cầm bút sửa, giải quyết ngay tại chỗ", cô Dung phân tích.

Gánh nặng đổ lên vai giáo viên

Đại diện Phòng GDĐT Bình Chánh (TP.HCM) cho biết địa phương này có nhiều học sinh, trong đó, 7 trường tiểu học dạy 5 buổi/tuần. 

"Đây là một khó khăn nên phòng có biện pháp giúp và hướng dẫn các trường khoán chương trình, tăng cường tính chủ động cho trường. Bản thân tôi cũng đang có con học lớp 1. Với vai trò là phụ huynh, tôi cảm nhận được các khó khăn như tiếp cận SGK mới trễ, tháng 8-9 mới có. Chương trình nặng do tiếp cận sách chậm, không có thời gian để chuyển tiếp con chữ. Mỗi ngày tôi cũng phải dành 30-45 phút để rèn thêm cho con", vị này nói.

Theo các giáo viên trực tiếp đứng lớp, để triển khai và thực hiện hiệu quả chương trình mới, sử dụng hiệu quả SGK, bắt buộc giáo viên phải nắm vững yêu cầu cần đạt của chương trình, cách thiết kế của SGK để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp.

Giáo viên cần tìm hiểu, đánh giá đúng thực trạng, đặc điểm học sinh lớp mình, từ đó điều chỉnh kế hoạch dạy học. Một giáo viên lớp 1 giấu tên chia sẻ: "Lý thuyết khi tập huấn là vậy, nhưng khi áp dụng vào thực tế, giáo viên vô cùng vất vả. Lớp ít thì 35-40 học sinh, lớp đông thì đến 50 em, để nắm được đặc điểm trình độ của từng em, phải mất một thời gian. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải tìm hiểu thêm từ các sách, tài liệu khác để tìm được cách truyền tải dễ hiểu nhất cho các con nên thật sự rất vất vả".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem