Sau kháng nghị hủy quyết định tái thẩm vụ Chánh án Hán Văn Nhuận tự tử: Tái thẩm là gì?
Sau kháng nghị hủy quyết định tái thẩm vụ Chánh án Hán Văn Nhuận tự tử: Thủ tục tái thẩm là gì?
Quang Trung
Thứ tư, ngày 29/12/2021 15:44 PM (GMT+7)
Sau thông tin Chánh án TAND Tối cao kháng nghị đối với quyết định tái thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM về vụ án có liên quan đến việc Chánh án TAND huyện Ninh Phước tự tử, độc giả đặt câu hỏi thủ tục tái thẩm là gì? Ai có quyền kháng nghị vụ án theo thủ tục tái thẩm?
Như Dân Việt đã thông tin, Chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị đối với quyết định tái thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM về 1 vụ án. Vụ án này có liên quan đến việc Chánh án TAND huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) Hán Văn Nhuận tự tử.
Cụ thể, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du vừa ký thay Chánh án TAND Tối cao, quyết định kháng nghị đối với quyết định tái thẩm số 63/2021/DS-TT ngày 16/3/2021 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP HCM về vụ án "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản", giữa nguyên đơn là bà Viên Thị Thanh Loan với bị đơn là bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, ông Nguyễn Quốc Hoàng (huyện Ninh Phước).
Theo quyết định này, Chánh án TAND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy quyết định tái thẩm số 63 nêu trên, đồng thời giữ nguyên quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ngày 27/6/2017 của TAND huyện Ninh Phước.
Tạm đình chỉ thi hành Quyết định tái thẩm nêu trên của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM cho đến khi có Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Sau thông tin này, độc giả đặt câu hỏi thủ tục tái thẩm là gì? Ai có quyền kháng nghị vụ án theo thủ tục tái thẩm?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tái thẩm là việc xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Toà án ra bản án đó. Thủ tục tái thẩm chỉ phát sinh khi có kháng nghị của chủ thể có thẩm quyền.
Luật sư Hòe cho biết, không phải mọi trường hợp có yêu cầu của đương sự đều sẽ phát sinh thủ tục tái thẩm, mà phải có một trong các căn cứ. cụ thể:
Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án: đây là căn cứ quan trọng để xác định vụ án để được kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Tình tiết mới này là tình tiết quan trọng mà khi giải quyết vụ án, Toà án và đương sự không biết được trong quá trình giải quyết vụ án và phải là những tình tiết tồn tại, khách quan, đã có trong quá trình giải quyết vụ án.
Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ: đây là những chủ thể có kiến thức chuyên môn có thể đưa ra những kết luận quan trọng.
Những kết luận này có thể là nguồn chứng cứ để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, nếu có thể chứng minh những kết luận này là sai sự thật hoặc giả mạo, đây là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật: đây là những người quan trọng trong quá trình tiến hành tố tụng, nếu có căn cứ chứng minh họ có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án do lỗi cố ý, vụ án sẽ được tái thẩm.
Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ: Nếu các căn cứ này để Toà án ra bản án, quyết định bị huỷ bỏ thì việc tái thẩm để xét xử lại bản án nhằm bảo vệ quyền lợi của đương sự.
Ai có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm?
Theo luật sư Hòe, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm gồm: Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND Cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng VKSND Cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 1 năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Về thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm, vị luật sư cho biết, Hội đồng sẽ không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi xét thấy các căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là không đúng.
Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục nếu việc kháng nghị tái thẩm là có căn cứ, mà căn cứ này làm thay đổi nội dung cơ bản của toàn bộ sự việc thì vụ án phải được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án nếu trong quá trình xét xử phúc thẩm hoặc sơ thẩm có căn cứ để Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.