Sâu măng – món đặc sản núi rừng Kỳ Sơn

Bài, ảnh: Hoàng Minh Thứ năm, ngày 03/12/2015 11:30 AM (GMT+7)
Trong một chuyến về công tác nơi bản người Mông ở huyện miền núi Kỳ Sơn, tôi được thết đãi món sâu măng đặc sản núi rừng. Món ăn được chế biến đơn giản, chỉ cần bỏ sâu vào chảo rang lên nêm tý bột gia vị và vài sợi lá chanh là đã có ngay món nhắm rượu ngon lành.
Bình luận 0

Dù được nếm trải khá nhiều món ăn được chế biến từ sâu, nhộng, côn trùng, nhưng trước đĩa sâu măng trắng tinh được được chế biến không quá cầu kỳ tôi vẫn có cảm giác như chúng đang còn sống. Gắp một con đưa vào miệng, những cảm giác ngại ngần mau chóng nhường chỗ cho những dư vị béo ngon, thích thú đến nao lòng. Không chỉ tôi, mà những người khách lần đầu được thưởng thức món sâu măng đặc sản này đều có cảm nhận theo một hương vị rất riêng mà nhiều món ăn từ côn trùng khác không có được.

Người dân địa phương kể rằng, trước đây món sâu măng chỉ là món ăn của đồng bào Mông trên cheo leo đỉnh núi. Dần dà, bà con các dân tộc khác trên địa bàn cũng dùng thử và nó trở thành món đặc sản của núi rừng Kỳ Sơn tự bao giờ. Đến mùa sâu măng, bà con người Mông gùi từng ống luồng trong đựng loài sâu măng xuống phố. Khách hàng của họ không chỉ là những người Mông rời bản xa quê mà còn có rất nhiều người Thái, người Kinh cũng tìm đến mua để chế biến cho bữa ăn của mình.

img

Đĩa sâu măng trong bữa ăn đãi khách của người Mông ở Kỳ Sơn.

Chị Xồng Ni Cỡ (khối 3, thị trấn Mường Xén) vốn là người Mông ở Bản Mường Lống 1, xã  Mường Lống, huyện Kỳ Sơn hồ hởi kể: Hồi còn ở trong khe chị cùng thường mọi người đi lấy sâu măng về ăn. Sau này ra thị trấn ở, nhưng cứ mỗi mùa sâu măng, gia đình chị thường tìm mua về ăn cho đỡ nhớ. Thấy có nhiều người cũng giống mình tìm mua món sâu này, hai năm gần đây chị làm cầu nối thu gom sâu măng trong bản về bán cho khách hàng trong thị trấn.

Chiều cuối tuần bên quầy sâu măng của chị Xồng Ni Cỡ tíu tít người bán, người mua. Anh Nguyễn Văn Minh từ thành phố Vinh lên đây làm nghề sư phạm, cũng đang lựa chọn từng con sâu măng để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Anh cho biết, những đồn đoán về công dụng khác của sâu măng có thể không có cơ sở, chưa được kiểm chứng nhưng theo anh đây là một món ăn sạch, không quá đắt đỏ, chế biến đơn giản. Chỉ cần một đĩa sâu măng cũng đã có món mồi ngon cho một tiệc rượu từ hai đến mươi người.

Trong số khách mua sâu, chị Thanh là người từ thành phố Vinh lên Kỳ Sơn công tác. Món quà chị mang về để hội ngộ gia đình trong những ngày nghỉ cuối tuần thường có món sâu măng đặc sản này. Chị cho biết: Sâu măng sống rất khỏe, chỉ cần bỏ vào ống tre không cần bảo quản gì cũng để được năm đến bảy ngày, còn bỏ tủ lạnh thì vài tuần, thậm chí cả tháng mở ra sâu vẫn bò lúc nhúc khỏe mạnh như thường. Vì thế như hôm nay, gặp mớ sâu béo, ngon chị mua 1kg mang về thành phố.

img

Món quà mà chị Thanh- một cán bộ huyện Kỳ Sơn mang về làm quà cho người thân ở thành phố Vinh là sâu măng.

Anh Hờ Bá Lỳ (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) hàng ngày vẫn đi kiếm và mang sâu ra thị trấn bán cho biết, những người dân bản như các anh chỉ cần nhìn qua măng luồng là biết cây nào có sâu, nhiều hay ít và  đã nên chặt hạ hay chưa. Những cây bị sâu ăn thường lên đến tầm thắt lưng là đã phát hiện ra rồi, nhưng phải là những cây đã cao quá đầu người, hoặc cao chừng 3m thì có sâu lớn và số lượng nhiều hơn. Sau khi chẻ cây lấy sâu, các anh đổ vào những đoạn ống còn lành lặn mang ra chợ bán.

Rời Kỳ Sơn trong một chiều cuối tuần se lạnh, những cán bộ giáo viên cùng chuyến hành trình về xuôi kể thêm cho tôi nghe nhiều kỷ niệm quanh việc tìm sâu và chế biến món sâu măng đặc sản. Điều đó càng khiến cho tôi muốn thêm được nhiều lần trở lại Kỳ Sơn để được cùng bà con vào khe bắt sâu mang về, ngồi bên bếp lửa, nhâm nhi chén rượu cùng món canh sâu, món sâu măng rang muối và món sâu măng bỏ ống nứa lùi than trong giá lạnh miền cao mỗi khi đông về.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem