Sau Oceanbank, VNCB… ai còn, ai mất?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 11/10/2016 06:00 AM (GMT+7)
Chuyển từ mô hình ngân hàng thương mại nông thôn sang mô hình ngân hàng thương mại đô thị bằng nguồn vốn “bơm” từ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp… có ngân hàng nay đã dần đứng vững trên thị trường, cũng có ngân hàng “ngã ngựa” và trở thành những “đại án” kinh tế gây xôn xao dư luận…
Bình luận 0

Mới đây nhất, cái tên Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) được khá nhiều người quan tâm bởi đại án liên quan đến “đại gia” ngân hàng Hà Văn Thắm. Đây là ngân hàng “tiêu biểu” đầu tiên của việc chuyển đổi từ mô hình ngân hàng thương mại nông thôn sang mô hình ngân hàng thương mại đô thị.

img

Đại án VNCB đã làm thất thoát tài sản của nhà nước hơn 9.000 tỷ đồng

Những tưởng, với đà tăng trưởng “vù vù”, OceanBank sẽ dần trở thành một ngân hàng mạnh trong hệ thống ngân hàng nhưng bất ngờ khi Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT) bị bắt, OceanBank bắt đầu bộc lộ hàng loạt yếu kém, sai phạm... dẫn đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định OceanBank với giá 0 đồng và giao cho Vietinbank quản lý, điều hành.

Cũng “lùm xùm” không kém là Ngân hàng TMCP Đại Tín (tên cũ của Ngân hàng Xây dựng), đây cũng là ngân hàng được chuyển đổi từ Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến (thành lập năm 1989 tại Long An). Sau khi chuyển đổi thành Ngân hàng Đại Tín, nhà băng này cũng có giai đoạn phát triển ấn tượng nhưng rồi sau đó rơi vào khó khăn và được đưa vào nhóm 09 ngân hàng “buộc” phải thực hiện tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ.

Khi Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh tiếp quản Đại Tín và đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), những sai phạm của những người điều hành nhà băng này đã làm thất thoát tài sản của nhà nước hơn 9.000 tỷ đồng - Trở thành đại án lớn nhất của ngành ngân hàng.

Ngoài OceanBank, VNCB, phải kể đến một loạt các ngân hàng rời “quê” lên “phố” như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chuyển đổi mô hình từ Ngân hàng TMCP nông thôn Nhơn Ái; Ngân hàng TMCP Toàn Cầu (GPBank) chuyển đổi từ Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình; Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank) chuyển đổi từ Ngân hàng TMCP nông thôn Sông Kiên; Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) chuyển đổi mô hình từ Ngân hàng TMCP nông thôn Đồng Tháp Mười;…

Theo ghi nhận của Dân Việt, trong số những ngân hàng từ “quê” lên “phố”, có ngân hàng đã dần khẳng định thương hiệu của mình, cũng có ngân hàng “buộc” phải trở thành sở hữu Nhà nước với giá trị 0 đồng, có ngân hàng thậm chí còn bị xoá tên khỏi hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, trong số những nhà băng được chuyển đổi từ mô hình này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là cái tên được đánh giá là khá thành công, còn lại một số ngân hàng khác cũng chỉ hoạt động khá “lặng lẽ” như ABBank, KienLongBank. Một số khác thì buộc phải sát nhập với ngân hàng khác mạnh hơn như:  PGBank sáp nhập vào VietinBank; MekongBank đã phải sáp nhập vào MaritimeBank; DaiABank phải sáp nhập vào HDBank, hay SouthernBank phải sáp nhập với Sacombank; SCB, TinNghiaBank và FicomBank cùng sát nhập thành một ngân hàng duy nhất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)…

Một số ngân hàng như OceanBank, GPBank và VNCB thậm chí còn bị NHNN “buộc” phải mua lại toàn bộ cổ phần với cùng một mức giá 0 đồng để cứu những nhà băng này. Cùng với đó là một loạt các sai phạm của lãnh đạo OceanBank, VNCB bị “phanh phui” khiến cho tình hình kinh doanh của các nhà băng này càng thêm khó để vực dậy. Một ngân hàng khác hoạt động khá yếu kém thì sau khi đổi chủ cũng đã được đổi luôn tên là NaviBank. Hiện, sau khi tái cơ cấu, ngân hàng này đã đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) nhưng tình hình kinh doanh hiện nay chưa có gì nổi bật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem