Một tháng nay, vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Bảy ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) vào đợt thu hoạch rộ. Mỗi ngày, nông dân 45 tuổi này bán cho tư thương vào tận vườn mua hàng trăm trái sầu riêng chín, giá 30.000 đồng/kg.
Vườn sầu riêng sai trái của ông Bảy. Ảnh: Việt Tường.
Ông Bảy cho biết, gia đình ông trồng trên 70 cây sầu riêng từ 10 đến 20 năm tuổi trong diện tích đất chỉ 6.000 m2. Tùy theo tuổi, mỗi cây sầu riêng thu hoạch được 70-130 trái.
"Có hai loại sầu riêng cơm vàng hạt lép và sữa hạt lép. Tất cả đều là trái cây đặc sản của miền Tây, trái nhỏ khoảng 2 kg, trái to từ 3 đến 4 kg", ông Bảy nói.
Nhiều nhà vườn cho biết, sau 4 năm từ lúc trồng, sầu riêng sẽ cho trái. Hai năm sau đó, trái nhiều hơn và tăng dần khi cây có thêm nhánh, tán rộng.
Ngoài phân bón, người trồng dùng thuốc đậu trái một lần lúc sầu riêng ra hoa. Sau 3,5 đến 4 tháng kể từ ngày đậu, trái sẽ chín.
Ông Bảy kiểm tra từng trái để hái bán cho tư thương. Ảnh: Việt Tường.
"Một số trái chín tự rụng, còn lại, tôi phải trèo lên cây kiểm tra, cắt từng trái và cột dây chuyền xuống đất để gai sầu riêng không bị dập. Trong khi các loại trái cây khác giảm giá vào mùa thu hoạch rộ thì sầu riêng vẫn giữ được giá cao. Hồi đầu vụ, tôi bán sầu riêng giá 50.000 đồng/kg", chủ vườn chia sẻ.
Lật sổ kiểm tra, vợ ông Bảy cộng tổng số sầu riêng bán được trong năm nay trên 9 tấn, thu về gần 300 triệu đồng. Lợi nhuận cao, nhưng chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cả vườn sầu riêng chỉ khoảng 20 triệu đồng mỗi năm.
Tại một số tỉnh miền Tây trong đó có Sóc Trăng, sầu riêng đang là loại cây có giá trị kinh tế. Trong khi những loại khác như xoài, nhãn, ổi... bị người dân chặt bỏ, sầu riêng vẫn là "cây làm giàu" của người dân. Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng đều có cuộc sống sung túc. Công chăm sóc loại này cũng không nhiều và giá bán không "loạn nhịp" như các loại khác.
(Theo Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.