Kiệt tác từ đôi bàn tay
Không phải thiên nhiên hình thành nên ruộng bậc thang, tạo hóa chỉ cho con người những triền núi dốc, còn để có những thửa ruộng đều tăm tắp trải rộng dần ra như một bức tranh kỳ vĩ, không thể không nhắc đến đôi tay của người lao động.
Ở Yên Bái, hùng vĩ nhất phải kể đến những thửa ruộng bậc thang của huyện Mù Cang Chải, cả huyện có 2.200ha ruộng bậc thang. Huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000m so với mặt biển. Muốn đến được huyện Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ - một trong tứ Đại Đèo của Tây Bắc. Các thửa ruộng bậc thang ở ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình đã được Bộ VHTTDL xếp hạng là danh thắng quốc gia.
Nhiều đời nay, người dân tộc Mông ở Mù Cang Chải đã cần mẫn san gạt, tạo mặt bằng, be bờ giữ nước để trồng lúa nước trên các sườn núi cao dốc. Vùng đất Mù Cang Chải giờ đây không chỉ đem đến cho người dân những vụ mùa bội thu mà còn trở thành kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Đường qua La Pán Tẩn và Chế Cu Nha- 2 xã có những thửa ruộng đẹp nhất Mù Cang Chải, chẳng ai đi qua mà không dừng lại ngắm nhìn những kiệt tác của người Mông đang rực rỡ chờ ngày thu hoạch. Xa xa, vài chiếc lán được dựng để canh lúa. Người Mông sống trên cao, họ chỉ xuống để trồng lúa rồi lại lên tít trên cao ở. Thật không thể ngờ, mảnh đất Yên Bái với những tầng đất dễ dàng sụt lở lại có những ruộng bậc thang vững chắc và tuyệt đẹp đến thế.
Lễ hội ruộng bậc thang
Năm nay, Tuần Văn hoá và Du lịch danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải sẽ diễn ra từ ngày 25-30.9. Đây là dịp để Yên Bái vinh danh thắng cảnh quốc gia ruộng bậc thang và các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, sản phẩm truyền thống đặc trưng huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Trong 5 ngày tổ chức lễ hội, chương trình sẽ diễn ra với nhiều hoạt động lớn như: Phiên chợ vùng cao với 14 gian hàng, trưng bày và bán các sản vật của địa phương; trình diễn trang phục công sở, trang phục tự chọn, trang phục dân tộc; Hội thi giã bánh giầy người Mông, nấu rượu truyền thống, làm nhạc cụ dân tộc...
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Đây là hoạt động văn hóa thường niên của huyện Mù Cang Chải được duy trì và tổ chức vào mỗi dịp lúa chín. Đặc biệt, từ ngày 26 đến 29.9, du khách có thể được tham gia cùng CLB Dù bay hàng không phía Bắc biểu diễn dù lượn từ đỉnh đèo Khau Phạ xuống dưới chân cánh đồng. Dự kiến năm nay sẽ có khoảng hơn 120 phi công tham gia biểu diễn”.
Tháng 9, tháng 10 là khoảng thời gian đẹp nhất ở Mù Cang Chải, tấp nập du khách Tây, ta trên khắp các nẻo đường, họ chụp ruộng bậc thang lúa chín óng ả như biển vàng, họ chụp những em bé Mông ngây thơ đôi mắt tròn xoe, đôi má hồng hào được địu trên lưng mẹ. Giữa khung cảnh những mâm xôi vàng của lúa hiện lên hoành tráng giữa núi rừng xanh ngắt; từng bậc ruộng nối tiếp nhau đổ từ trên cao xuống như chiếc cầu thang vàng mời gọi người trần gian lên trời, du khách khó mà giữ được sự phấn khích, ai cũng thích thú mong muốn được nhảy, được hét lên cho thỏa nỗi lòng.
Lên Yên Bái, du khách nên ghé thăm Tú Lệ (Văn Chấn). Ở Tú Lệ có những món đặc sản xôi nếp thịt nướng dẻo thơm, thịt trâu gác bếp, cá suối, gà đen và đặc biệt là món cốm rất được lòng du khách bởi vị ngọt, dẻo chỉ riêng lúa nơi đây mới có.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.