Chặn quá tải từ đầu tuyến
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong quý I.2016, các trạm kiểm tra tải trọng xe trên toàn quốc đã kiểm tra hơn 155.000 xe và phát hiện 9.784 xe vi phạm về tải trọng. Các xe vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước 73 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe ngay đầu tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Ảnh: VEC
Ông Vũ Đỗ Anh Dũng – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá: “So với cùng kỳ năm 2015, công tác kiểm soát tải trọng xe đã đạt được kết quả tốt hơn. Số xe vi phạm tiếp tục giảm. Cụ thể, quý I.2015 kiểm tra hơn 138.000 xe, đã phát hiện 12.138 xe vi phạm”.
Ở những tuyến đường cao tốc, việc kiểm soát tải trọng được thực hiện ngay từ đầu tuyến. Những xe quá tải trọng đều bị lực lượng chức năng xử lý và đơn vị cung cấp dịch vụ từ chối bán vé cho lái xe đi vào đường cao tốc.
Như trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã cân 292.795 lượt phương tiện và phát hiện 4.219 xe quá tải. Hơn 3.000 xe vượt quá tải trọng đã bị từ chối phục vụ, phải quay đầu đi đường khác.
Việc kiểm tra tải trọng cũng được tiến hành trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tuy nhiên, hiện công tác kiểm soát tải trọng từ đầu nguồn chưa được thực hiện rộng rãi ở các cảng biển, cảng thủy nội địa.
Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết nhiều cảng không có thiết bị cân tải trọng nên không thể kiểm soát được tải trọng xe. Chỉ tính riêng các cảng biển lớn, đã có hơn một nửa các cảng được kiểm tra chưa có thiết bị kiểm soát tải trọng xe.
Không có ngày nghỉ
Đánh giá về công tác kiểm soát tải trọng xe thời gian qua, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng một số địa phương có kết quả kiểm soát xe quá tải chưa tốt.
Cụ thể như hiện tượng xe hết niên hạn sử dụng dùng để chở mía lưu thông trên Quốc lộ (QL) 6, QL 4G (tỉnh Sơn La); xe hết niên hạn lưu thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; xe chở vật liệu xây dựng quá tải trên QL 4A (tỉnh Cao Bằng), trên QL 32, đường Hồ Chí Minh, QL 21B (địa phận TP.Hà Nội); xe chở hàng quá tải lưu thông trên QL 19, QL 25 địa bàn tỉnh Gia Lai đi QL 1 đến cảng Quy Nhơn (Bình Định)…
Nhiều cảng không có thiết bị cân tải trọng nên không thể kiểm soát được tải trọng xe. Chỉ tính riêng các cảng biển lớn, đã có hơn một nửa số cảng được kiểm tra nhưng chưa có thiết bị kiểm soát tải trọng xe”.
Ông Nguyễn Văn Huyện
|
Bên cạnh đó, một số cảng còn lúng túng trong kiểm soát xe quá khổ, chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Điển hình như vụ việc 3 xe đầu kéo sơmi rơmoóc chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xuất phát từ Cảng Hải Phòng. Đoàn xe này đi tránh trạm kiểm soát lưu động Hải Phòng, đi qua trạm kiểm soát tải trọng trên QL 10 tỉnh Thái Bình và chỉ bị phát hiện khi Tổng cục Đường bộ nhận tin báo, yêu cầu Thanh tra Giao thông tỉnh Nam Định kiểm tra xử lý.
Ông Vũ Đỗ Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra đột xuất, tập trung ở các đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng, trên các tuyến giao thông. Trong đó, kiểm tra các phương tiện chở vật tư, vật liệu xây dựng lưu thông ban đêm, các phương tiện hết niên hạn sử dụng, phương tiện mang biển kiểm soát quân đội giả. Tuy nhiên, ông Dũng cũng yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất dừng các xe không vi phạm, tránh gây lãng phí thời gian, tâm lý bức xúc cho chủ xe, lái xe.
Trong các dịp nghỉ lễ, Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị các đơn vị chức năng có phương án bố trí lực lượng để triển khai kiểm tra, xử lý đột xuất các tổ chức, cá nhân lợi dụng kỳ nghỉ sử dụng ô tô chở hàng quá khổ, quá tải, hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.