Sản lượng thịt gia tăng
Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tính đến giữa tháng 12, ngành chăn nuôi trong nước được xem đã có một năm thành công với nhiều số liệu khả quan. Cụ thể, sản xuất chăn nuôi cả nước năm nay tăng trưởng khá cao, ước tính tăng 4 – 5% so với năm 2013. Trong đó, chăn nuôi heo tăng gần 3%, chăn nuôi gia cầm tăng khoảng 5%, bò sữa 12% và mức tăng trưởng của ngành thức ăn chăn nuôi (TACN) đạt khoảng 6%.
Giá tốt, nhiều trại chăn nuôi tăng đàn, mở rộng quy mô. (Ảnh chụp tại huyện Tam Nông, Phú Thọ). Ảnh: Mạc Li
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, quản lý dịch bệnh, chất lượng vật tư và thiên tai trong ngành chăn nuôi năm nay đã tốt hơn nhiều, trong năm không có bùng phát các ổ dịch lớn, số lượng gia súc, gia cầm chết vì dịch bệnh, thiên tai thấp… Trong khi đó, giá TACN được kiểm soát tốt, không tăng nhiều như những năm trước đây, người chăn nuôi do đó đã có lời. Theo ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi luôn ở mức cao, trung bình giá thịt heo (bán hơi) trong năm từ 47.000 – 52.000 đồng/kg, thậm chí, có thời điểm, giá heo thịt đạt mức 54.000 – 55.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm qua. “Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, người nuôi heo ở các tỉnh Đông Nam Bộ đã có thể trả được nợ ngân hàng, sau đó, tiếp tục đầu tư tăng đàn và có lợi nhuận để tích lũy sau thời gian dài thua lỗ”- ông Công cho biết.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 10, đàn heo cả nước tăng khoảng 2%, sản lượng thịt hơi cũng tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia cầm cũng có chiều hướng phát triển với tổng đàn tăng 2%, sản lượng thịt gia cầm tăng 2,8%.
Cùng với đó, lượng tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bình quân đầu người cả nước trong năm nay cũng đã tăng nhẹ, tạo điều kiện cho ngành phát triển. Cụ thể, bình quân tiêu thụ thịt hơi ước tính năm 2014 đạt 50kg/người/năm, tăng hơn 0,7kg/người/năm so với 2013, bình quân mức tiêu thụ trứng cũng tăng 2 quả/người/năm, lên mức 88,8 quả/người/năm.
Ký kết tiêu thụ 1 triệu con gia cầm dịp tết
Sau nhiều năm bấp bênh, chật vật với nghề, hiện nay, người chăn nuôi trong vùng Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam Bộ đã hình thành được mối liên kết chặt chẽ với nhau và với các đơn vị khác trong chuỗi. Theo đó, người chăn nuôi cùng ký kết hợp tác với doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp và các cơ sở giết mổ, chế biến để có chuỗi giá trị thịt sạch, chất lượng cho người tiêu dùng.
“Riêng tết này, gần 1 triệu con gia cầm của người chăn nuôi trong vùng đã được ký kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, siêu thị, chợ đầu mối, nông dân không lo bị ép giá mà doanh nghiệp cũng không sợ thiếu hàng”- ông Nguyễn Trí Công cho biết. Ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, thì cho rằng, việc liên kết giúp giảm giá thành chăn nuôi đến 16%. Trong đó, mức giảm chủ yếu ở các khâu như TACN, con giống, thuốc thú y… Cũng theo ông Vang, do là ngành sản xuất có quy mô siêu nhỏ, liên kết là xu hướng tất yếu giúp các hộ chăn nuôi cùng tồn tại, phát triển.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho biết, trong năm 2014, nhiều chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi được hình thành, giúp quy mô ngành chăn nuôi chuyển dần từ nhỏ, lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại với quy mô lớn. Nhiều mô hình liên kết với doanh nghiệp, tức chăn nuôi gia công, liên kết chăn nuôi – tiêu thụ, liên kết chăn nuôi – giết mổ - bán buôn trong chăn nuôi heo, bò, gia cầm… hình thành và phát triển tại nhiều tỉnh trên cả nước như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An…
“Sắp tới, Cục Chăn nuôi sẽ đưa ra chế tài quản lý đối với hoạt động liên kết chăn nuôi gia công, đảm bảo lợi ích cho người nông dân và cả doanh nghiệp”- ông Dương nói.
Giá thành sản xuất vẫn quá cao
Theo đánh giá của ngành chăn nuôi, giá thành ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn ở mức cao so với thế giới. Cụ thể, như giá thành của chăn nuôi bò thịt ở Việt Nam gấp đôi so với bò Úc, giá thành heo hơi trong nước cũng cao hơn 25 - 30% so với heo nuôi tại Mỹ. Do đó, sản phẩm nhập khẩu dù phải qua thêm nhiều khâu như chi phí vận chuyển, kiểm dịch… vẫn có thể cạnh tranh tốt với sản phẩm thịt trong nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.