Sinh khí mới cho văn hoá nước nhà

Thứ sáu, ngày 09/08/2013 11:06 AM (GMT+7)
Ngày 8.8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII về xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Bình luận 0
15 năm qua, lời dạy của Bác Hồ về văn hóa đã thực sự thấm sâu vào đời sống.

Khơi lại mạch nguồn

Ra đời năm 1998, tiếp nối tinh thần của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng, 15 năm qua, Nghị quyết T.Ư 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là một bước đi chiến lược về văn hóa của Việt Nam. Nghị quyết đã trang bị cho xã hội nhiều nhận thức mới về văn hóa, đem lại sinh khí cho đời sống văn hóa đất nước, sự nghiệp văn hóa thực sự có nhiều bước chuyển mình. Những tiến bộ trên nhiều lĩnh vực của đất nước 15 năm qua đã có sự đóng góp tích cực của ngành văn hóa trong quá trình thực hiện, triển khai nghị quyết.
Sinh hoạt văn hóa văn nghệ ở khu dân cư của huyện Thái Thụy (Thái Bình).
Sinh hoạt văn hóa văn nghệ ở khu dân cư của huyện Thái Thụy (Thái Bình).

Một thành tựu nổi bật có thể nhìn thấy rõ ràng nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên toàn quốc, đại đa số các làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa đều thực hiện đầy đủ 5 tiêu chuẩn với 21 tiêu chí công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân lành mạnh, phong phú, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, nhiều giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn.

Trong báo cáo tóm tắt trình bày tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cho biết: “Việt Nam đã có 17 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh, hàng ngàn di tích được xếp hạng, hàng ngàn di tích được chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo. Công việc sưu tầm, lưu giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đã tập trung thực hiện đạt hiệu quả tích cực. Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân vùng có di sản”.

GS Lưu Trần Tiêu- Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia xúc động bày tỏ: “Nghị quyết T.Ư 5 là bệ đỡ cho văn hóa phát triển. Có thể đơn cử một ví dụ thế này, nghị quyết đã khơi nguồn cho sự phát triển của hàng loạt các thiết chế văn hóa ngoài công lập (hay còn gọi là tư nhân) phát triển. Nếu không thế, làm sao chúng ta biết được trong dân chúng lại có một khối lượng tài sản lớn lao đến thế về di sản văn hóa. Có những bộ sưu tập tư nhân hàng ngàn hiện vật, có nhiều người đã bỏ cả cuộc đời và tiền của để xây dựng những bảo tàng tư nhân nhằm giữ lại những giá trị văn hóa vật thể để làm nên giá trị văn hóa trường tồn cho dân tộc”.

Văn hóa không bình yên

Tham luận tạo nhiều cảm hứng nhất cho toàn thể đại biểu tham dự hội nghị có lẽ phải thuộc về nhà văn Chu Lai. Ông đã có một màn hùng biện xuất sắc để nói thay lời cho nhiều nghệ sĩ những suy nghĩ, trăn trở về Nghị quyết T.Ư 5. Nhà văn Chu Lai cho biết: “Văn hóa không bao giờ bình yên, không bao giờ chỉ là những hoạt động vui vẻ trẻ trung. Nếu nói làm văn hóa văn nghệ cho vui thì không bao giờ làm được văn hóa. Cứ hỏi 10 ông nghệ sĩ thì tôi chắc có đến 5 ông sẽ nhớ rất lơ mơ về nghị quyết, bởi vì họ đã có một nghị quyết rất nhân văn trong tim mình. Đó là sáng tạo thế nào để làm rung động người nghe, người xem”.

Nói về sự hiếm quý của các tài năng văn hóa nghệ thuật, nhà văn Chu Lai hóm hỉnh dùng hình tượng: “Tôi đặt một giả thiết thế này, chúng ta chọn 1.000 em có chỉ số thông minh như nhà toán học Ngô Bảo Châu, đưa lên đỉnh non thiêng Yên Tử, chọn chỗ dưới chân Phật hoàng Trần Nhân Tông để huấn luyện vài năm. Sau khi huấn luyện xong rồi, tới khi hạ sơn thì trong 1.000 em đó cũng không thể có được 1 cậu bé thần đồng như Trần Đăng Khoa với những vần thơ năm 7 tuổi”.

Thế nhưng ông cũng không quên “kêu” với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đang có mặt trong đoàn chủ tịch điều hành hội nghị: “Tôi muốn nói về chính sách đãi ngộ, cả thế giới này chẳng có đâu như Việt Nam. Nhuận bút cho văn nghệ sĩ gần như bằng không, viết xong một tiểu thuyết mất mấy năm, nhận được một khoản tiền chỉ đủ mua sách tặng bạn bè là hết, nhưng họ không lấy thế làm buồn, vẫn mải mê sáng tác. Có những người như nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, lặng lẽ miệt mài cho ra những tổng tập tiểu thuyết vài ngàn trang rất xuất sắc, tôi xin gọi đó là những nhân cách nghệ sĩ tử vì đạo”.
Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương tăng mức đầu tư cho văn hóa đến năm 2010 đạt 1,8% ngân sách nhà nước nhưng mức đầu tư tại phần lớn các địa phương đều chưa đạt được. Đặc biệt, đối với các tỉnh vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ chi cho văn hóa chỉ đạt từ 1-1,3% tổng chi ngân sách địa phương.
(Số liệu của Bộ VHTTDL
cung cấp tại hội nghị).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và chăm lo phát triển văn hóa, coi văn hóa là một mặt trận quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng... Để xây dựng văn hóa, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc trở thành năng lực nội sinh của phát triển, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Toàn ngành văn hóa thể thao, du lịch cần có các biện pháp và hành động thiết thực để thực hiện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu, tấm gương sáng về văn hóa của dân tộc”.
Mai An (Mai An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem