Sinh viên làm kịch chuyên nghiệp, lấy cảm hứng từ tình người Sài Gòn xưa
Sinh viên báo chí dựng kịch, lấy cảm hứng từ tình người Sài Gòn xưa
Quang Sung
Thứ bảy, ngày 17/12/2022 17:42 PM (GMT+7)
Tháng 12 này, Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn công diễn vở “Lá hát như mưa”, phục vụ gần 800 khán giả. Lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 2000 kết hợp với phong cách dàn dựng phi tuyến tính, vở đề cập đến những vấn đề xã hội và thời đại.
“Lá hát như mưa” là vở kịch dài thuộc dự án Sân khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn do CLB Kịch Khoa Báo chí & Truyền thông - Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM sản xuất. Với thời lượng 180 phút, vở diễn đề cập đến những vấn đề xã hội và thời đại cùng các mối quan hệ trong cuộc sống thường ngày, về tình yêu, tình thân và cả tình người giữa Sài Gòn.
“Lá hát như mưa” xoay quanh nhân vật trung tâm là Hạ - một người phụ nữ đoan chính và hết mực yêu thương gia đình. Cô mất tích đột ngột vào một đêm mưa gió, để lại mẹ già, hai đứa con thơ cùng người chồng phải chịu cảnh “gà trống nuôi con”. Sự biến mất của Hạ gây ra nỗi hoài nghi sâu sắc và hàng loạt rắc rối cho người thân cùng những người hàng xóm trong con hẻm nhỏ nơi sinh sống. Những cư dân trong con hẻm ấy đều có câu chuyện, nỗi niềm riêng. Vở diễn là sự đúc kết sâu sắc về thân phận con người giữa sự vô thường của cuộc sống.
“Lá hát như mưa” được dàn dựng theo phong cách phi tuyến tính. Tức là mỗi lần chuyển cảnh, vở diễn sẽ đi ngược thời gian về lại một cột mốc trước đó và tiếp tục câu chuyện. Đây là phong cách dàn dựng khá mới mẻ đối với sân khấu kịch nói.
Chia sẻ về ý tưởng quay ngược thời gian qua từng cảnh diễn, Nguyễn Đức Huy - đồng tác giả và dàn dựng vở diễn hy vọng: “Lối kể này sẽ dắt khán giả bước vào một hành trình độc đáo với hàng chục câu hỏi “tại sao?”, từ đó kích thích họ xem tiếp để thỏa mãn sự tò mò đó. Xây dựng tình huống theo kết cấu phi tuyến tính còn khiến "Lá hát như mưa" như một bài toán thú vị, lôi cuốn người xem khám phá ra sự thật được ẩn giấu một cách tinh tế, đầy nghệ thuật”.
Trong 3 tiếng thưởng thức vở diễn, khán giả sẽ được bước vào chuyến du hành thời gian từ hiện tại đến quá khứ. Thời gian và nỗi đau là hai thứ có thể bào mòn và làm đổi thay một con người trên nhiều phương diện. Nhưng tình yêu thì không, nó bất biến và hữu hình theo một cách rất kì lạ. Mà tình yêu ở đây vừa là tình gia đình, tình cảm lứa đôi, tình làng nghĩa xóm... Niềm tin vào "sự sống" của tình yêu giữa hoài nghi, đau khổ và mất mát chính là thông điệp lớn nhất mà Sân khấu kịch Báo chí Nhân Văn muốn gửi gắm thông qua “Lá hát như mưa”.
Võ Ngọc Quỳnh Như (tác giả của vở diễn) chia sẻ: “Sài Gòn là một mảnh đất thoáng nhìn vào thì có vẻ như chẳng có gì đặc trưng, nguyên bản nhưng thực ra lại có khí chất rất riêng biệt. Tuy nó không hữu hình rõ nét như bối cảnh của các vở trước nhưng Sài Gòn lại rất thân thương và gần gũi với tất cả chúng ta. Cá tính của Sài Gòn thành hình từ nhiều thứ, từ cái tình, cái cách mà cuộc sống nơi đây vận hành. Rất thú vị để khai thác”.
Ê kíp sinh viên làm việc như một đoàn kịch chuyên nghiệp
Để đáp ứng yêu cầu về bối cảnh của vở diễn, bộ phận sản xuất chịu trách nhiệm phần chuẩn bị cảnh trí và đạo cụ đã dành rất nhiều thời gian tìm kiếm, tạo dựng mọi thứ thật chỉn chu. Chia sẻ về quá trình làm việc cận kề ngày công diễn đầu tiên, Bùi Triệu Vy - Phó Chủ nhiệm CLB bộc bạch: “Trong quá trình chuẩn bị, ban sản xuất gặp phải 3 khó khăn chính về đạo cụ, cảnh trí và nhân sự. Khối lượng đạo cụ nhiều, đòi hỏi phải phù hợp với bối cảnh. Có những món đồ tụi mình phải đi rất xa và tìm rất lâu.
Cảnh trí vở diễn lần này có kích thước lớn và kèm theo mong muốn đem lại cảm giác chân thực nhất cho khán giả nên hầu như đều được vẽ tay dù đó không phải là chuyên ngành của tụi mình. Các thành viên phải cố gắng xếp và phân bổ thời gian hợp lý nhất có thể để hỗ trợ nhau. Có những lúc, các thành viên phải làm việc đến khuya để kịp tiến độ được giao”.
Vở diễn chính thức được lên sàn tập luyện từ đầu tháng 10. Nhân sự cho vở diễn khoảng hơn 30 người, cùng làm việc với nhau trong khoảng hơn 2 tháng. Sau hơn 1 năm ấp ủ, tìm kiếm tư liệu và 3 tháng hoàn thiện kịch bản, bằng tất cả tâm huyết và sự hiểu biết về xã hội, hai tác giả đã dành trọn đam mê và sự chỉn chu vào kịch bản.
Chia sẻ về quá trình hoạt động của CLB, Thái Thái - Chủ nhiệm CLB Kịch Khoa Báo chí và Truyền thông cho biết: “CLB có chia ra các ban, mỗi ban sẽ thực hiện một công việc nhất định, đó là các ban diễn viên, truyền thông, sản xuất và một số ban nhỏ khác như âm thanh, ánh sáng, phục trang, bán vé, báo chí. Thành viên của các ban đều là sinh viên khoa Báo chí & Truyền thông trải dài từ khóa 2013 đến hiện tại”.
“Vì là sinh viên báo chí "đá chéo sân" làm kịch nên chúng mình rất mong muốn làm việc nghiêm túc nhất có thể. Đây vừa là sự trân trọng của tất cả thành viên đối với bộ môn nghệ thuật kịch nói, vừa là sự tôn trọng dành cho khán giả”, Lý Tô Minh Triết, người chịu trách nhiệm sản xuất vở kịch, chia sẻ.
CLB Kịch Khoa Báo Chí & Truyền Thông thành lập đầu năm 2017 với hơn 70 thành viên. Qua gần 5 năm hoạt động, CLB đã công diễn thành công 4 vở kịch dài gây ấn tượng đặc biệt đối với khán giả, gần đây nhất là vở “Trái tim hóa thạch” công diễn vào tháng 6 năm 2022. Ngày 23/12 sẽ là suất diễn cuối cùng của “Lá hát như mưa”, diễn ra tại Hội trường Văn Khoa (Trường Đại học KHXH&NV cơ sở Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.