|
Khám cho bệnh nhân mắc tả. |
Bến Tre là địa phương có số ca bệnh này nhiều nhất trong cả nước đến thời điểm này. Bà Phạm Thị Xem - một bệnh nhân ở xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam cho biết: "Cách nay một tuần, sau khi ăn cơm tối thì tui bị đau bụng. May mà nhà gần bệnh viện nên nhập viện liền. Nay sức khỏe đã ổn định. Thật ra tôi không biết mình lây mầm bệnh từ đâu".
Khoa Nhiễm của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh những ngày qua rất đông người đến khám bệnh tiêu chảy. Trước tình hình bệnh tiêu chảy và dịch tả bùng phát, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh đã triển khai các biện pháp điều trị và huy động các y, bác sĩ có tay nghề, có kinh nghiệm phục vụ bệnh nhân tại khoa Nhiễm.
Bác sĩ Quyền Tôn Nữ Diệu Trâm - Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện cho biết: "Để đối phó với dịch tả, Ban giám đốc đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại đơn vị, thành lập khu cách ly. Về nhân lực thì ở bệnh viện tạm đủ để đối phó dịch bệnh… Trong những ngày qua, có 5-6 ca bệnh mất nước nặng nhưng nhờ các y bác sĩ điều trị kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch…".
Bác sĩ Phạm Thị Cúc - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Nam cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp tuyên truyền qua đài truyền thanh và xe lưu động trên các điểm nóng có nguy cơ phát dịch. Bên cạnh đó tăng cường công tác giám sát, xử lý ca bệnh, cấp cloramine B để xử lý nguồn nước sinh hoạt của người dân…".
Còn bác sĩ Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, phẩy khuẩn tả và tiêu chảy cấp ở địa phương đang diễn biến phức tạp. Hiện nay, có 3 trong 9 huyện, thành thị ở tỉnh Bến Tre đã xuất hiện bệnh tả. Công tác phòng chống dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn, nhất là hiện nay hơn 70% hộ dân nông thôn trong tỉnh sử dụng nước sinh hoạt kém vệ sinh.
Theo bác sĩ Thắng, thủ phạm gây dịch tả có thể là nguồn nước sử dụng từ sông kém chất lượng. Ngành đang khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi, tránh tiếp xúc nguồn nước bẩn, nhất là uống nước đá, khi có dấu hiệu bệnh tiêu chảy phải đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Nguy cơ mắc tả từ Campuchia
Ông Võ Huy Danh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết, từ giữa tháng 3-2010 đến nay tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch tả ở huyện An Phú, giáp với biên giới Campuchia. Trước đó toàn tỉnh có 250 ca tiêu chảy cấp, trong đó 27 ca người Campuchia. Tuy nhiên, do là tỉnh có đường biên giới với Campuchia, quốc gia đang có dịch tả diễn biến phức tạp, nên nguy cơ dịch tả bùng phát ở An Giang là rất lớn
Trường Duy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.