Sò lông ở đâu trôi dạt vào bờ, người dân Hà Tĩnh đổ xô ra vớt
Sò lông ở đâu trôi dạt vào bờ, người dân Hà Tĩnh đổ xô ra vớt "lộc biển"
Tập Thỏa
Thứ bảy, ngày 01/10/2022 17:40 PM (GMT+7)
Bão tan, sóng lớn đánh dạt sò lông vào bờ, hàng trăm người dân ở nhiều địa phương đã đổ xô ra bờ biển xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) để vớt “lộc biển”.
Clip: Sò lông bị sóng biển đánh dạt vào bờ, người dân Hà Tĩnh đổ xô đi vợt.
Sau ảnh hưởng của bão số 4, tại bờ biển xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) xuất hiện lượng lớn sò lông dạt vào bờ. Hàng trăm người dân địa phương đổ xô ra biển, mang theo các dụng cụ để vớt "lộc biển".
Ghi nhận của PV Dân Việt, tại bờ biển thuộc xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà có hàng trăm ngư dân, đủ mọi lứa tuổi tập trung thành từng nhóm ở bờ biển dùng vợt lưới, rổ, xô chậu…. để nhặt sò lông, khi bị sóng đánh trôi dạt vào bờ.
Đang bận rộn nhặt sò lông, bà Nguyễn Thị Cảnh (trú tại xã Thạch Kim) cho biết: "Nghe thông tin tại đây có sò lông trôi, dạt vào nhiều, tôi cùng con trai đã mang theo dụng cụ để nhặt. Sau những cơn bão lớn bờ biển huyện Lộc Hà thường có rất nhiều hải sản được sóng đánh vào bờ.
Con trai tôi mang vợt ra khu vực nước sâu để khai thác, còn tôi ở trên bờ có nhiệm vụ phân loại. Từ trưa đến giờ, thành quả của chúng tôi là 1 bao sò hơn 20kg".
Những thanh niên, đàn ông có sức khỏe lội ra biển cách bờ khoảng 20m, sâu từ 50-70cm để vớt sò. Nhiệm vụ của phụ nữ, trẻ em là ngồi trên bờ biển phân loại sò khi khai thác được.
Dụng cụ khai thác sò là chiếc vợt dài sắt dài 1,7m, phần đầu có lưỡi sắt, gắn lưới dài khoảng 2m ở thân vợt có đai trợ lực. Sò lông nằm dưới mặt đất khoảng 5cm, lúc này người khai thác sẽ tì mạnh phần đầu sắt xuống và kéo đi giật lùi. Sò lông sẽ được giữ lại bởi lưới, còn phần rác, đất cát sẽ bị trôi đi thông qua các mắt lưới rộng.
Anh Lê Doãn Tập (trú tại thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc) phấn khởi cho biết: "Chúng tôi ở gần biển nên được hưởng lợi từ mẹ thiên nhiên rất nhiều. Vào các năm, sau đợt mưa bão thì bà con dân biển đều kéo nhau ra khai thác "lộc trời". Sau hơn 2 tiếng tham gia khai thác, tôi được khoảng 7kg so lông. Số sò này tôi mang về 1 phần để ăn, phần còn lại chia cho hàng xóm mỗi người 1 ít".
Theo anh Tập, sò lông có giá trị dinh dưỡng cao, bổ máu, được chế biến thành nhiều món ăn như sò luộc, sò hấp, cháo sò...Những món ăn này còn có tác dụng chữa bệnh tốt như tăng huyết áp, suy nhược cơ thể, lao phổi. Tại các nhà hàng, những con sò này có thể được bán với giá 100.000 đồng/kg.
Mỗi ngày, một người dân có thể nhặt được 10-30kg sò lông, bán với giá bán 15.000– 20.000 đồng/kg, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập.
Theo người dân địa phương, vào những thời điểm biển động hoặc sau bão thì các loại hải sản như: sò, ốc, ngao.. bị sóng lớn đánh mạnh vào bờ.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Khắc Phong- Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, cho biết: "Do ảnh hưởng bão số 4, một số lượng sò lông lớn trôi dạt vào bờ biển Thịnh Lộc. Hàng trăm người dân đã đổ ra biển để khai thác.
Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp tại địa phương, mỗi khi qua những cơn bão lớn thì biển luôn dạt vào nhiều loại hải sản cho người dân. Riêng năm nay là lần đầu tiên hải sản dạt vào bờ. Ước tính, đợt này, số lượng sò bị sóng đánh vào bờ khoảng 5 tấn, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.